Xây “cây cầu” ngoại giao – văn hóa
Những ngày đầu tháng 6 vừa qua cũng là những ngày diễn ra lễ kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ Việt Nam – Nhật Bản. Quãng thời gian Việt Nam và Nhật Bản chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao đã mở ra một chương mới trong lịch sử hơn 1.000 năm giao lưu nhân dân.
Từ đó đến nay, Việt Nam và Nhật Bản đã đi một chặng đường dài, cùng nhau xây dựng mối quan hệ hợp tác hữu nghị, tin cậy, tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng và cùng có lợi.
Trải qua năm tháng, bóng dáng văn hóa Nhật Bản lan tỏa trên mảnh đất hình chữ S và cả theo chiều ngược lại thông qua những lễ hội giao lưu văn hóa Việt – Nhật. Những “điệu múa của những nụ cười” Yosakoi, màu hoa anh đào rực sáng cả một góc trời hay nghệ thuật ẩm thực tinh tế của người Nhật Bản đều đã trở nên quá quen thuộc với người Việt.
Biết bao thế hệ du học sinh, nghiên cứu sinh Việt Nam cũng đã gắn bó với mảnh đất quê hương thứ hai Nhật Bản cùng với những đắp bồi của tri thức, của văn hóa, của ngoại giao theo thời gian.
Không khó để hình dung vai trò của một “cây cầu” hữu hình được xây dựng trong quá trình vun đắp quan hệ của hai nước, đó là cây cầu hàng không trực tiếp giữa Việt Nam – Nhật Bản của Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam – Vietnam Airlines.
Ôn lại kỷ niệm những ngày đầu tiên triển khai đường bay trực tiếp Việt – Nhật, Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà chia sẻ: “Ở giai đoạn đầu, những chuyến bay thẳng Việt Nam – Nhật Bản mới dừng ở 3 chuyến mỗi tuần. Nhưng Vietnam Airlines xác định đây sẽ là đường bay chiến lược không chỉ bởi nhu cầu không ngừng tăng cao của du khách Việt – Nhật mà còn là tuyến hàng không chuyên chở văn hóa – giáo dục giữa hai quốc gia”.
Nhật Bản – thị trường chiến lược của Hàng không Việt Nam
Theo số liệu của Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam, Nhật Bản nằm trong top 5 thị trường có dung lượng hàng không lớn nhất đến Việt Nam với tốc độ tặng trưởng trong bình trong 5 năm qua đạt hơn 12%/năm. 6 tháng đầu năm 2018, tổng khách vận chuyển của cả thị trường Việt Nam – Nhật Bản đạt 1,1 triệu khách, tăng 14% so cùng kỳ.
Trong đó, lượng khách Vietnam Airlines vận chuyển 6 tháng đầu năm đạt 680 nghìn khách, tăng 12% so cùng kỳ và chiếm 61% thị phần khách vận chuyển giữa hai nước.
Hiện nay, trung bình mỗi tuần, Vietnam Airlines thực hiện 70 chuyến bay thường lệ trên 10 đường bay kết nối Hà Nội, Tp.HCM và Đà Nẵng tới 5 sân bay tại Nhật Bản là Narita, Haneda (Tokyo), Kansai (Osaka), Centrair (Nagoya) và Fukuoka.
Vietnam Airlines đã đưa hai tàu bay thế hệ mới Boeing 787 và A350 khai thác trên các đường bay Hà Nội/Tp.HCM đến Tokyo và Osaka. Cho đến thời điểm này, Vietnam Airlines cũng là hãng duy nhất khai thác đường bay thẳng đến Nagoya, Fukuoka và đường bay Đà Nẵng – Tokyo, phủ kín bản đồ bay tới Nhật Bản bằng những tàu bay hiện đại nhất của mình.
Coi trọng thị trường Nhật Bản, Vietnam Airlines chú tâm trong việc hoàn thiện các sản phẩm, dịch vụ đáp ứng những yêu cầu rất riêng của các khách hàng trên đường bay này. Văn hóa ẩm thực trở thành một trong những điểm nhấn trong dịch vụ cao cấp trên các chuyến bay giữa hai nước.
Trên những chuyến bay này, hành khách hoàn toàn có thể chủ động chọn món ăn của cả hai nước phù hợp với khẩu vị. Sự giao thoa về hương vị sẵn sàng làm hài lòng những yêu cầu khắt khe hay đa dạng nhất về ẩm thực của các hành khách. Thêm một nỗ lực hoàn thiện dịch vụ 4 sao trên đường bay Nhật Bản, từ giữa tháng 7 này, Vietnam Airlines còn phục vụ bộ dụng cụ đồ ăn hạng Thương gia bằng gốm sứ Nhật Bản.
Những bộ dụng cụ ăn uống từ lâu đã thể hiện cốt cách văn hóa ẩm thực của người Nhật Bản nay được chính các nhà thiết kế của xứ sở hoa anh đào tạo tác dành riêng cho các chuyến bay của Vietnam Airlines, mang đến cảm giác quen thuộc như ở nhà với mỗi thực khách Nhật.
Từng chiếc bát súp miso màu nâu óng có nắp đậy đặc trưng sứ Nhật, bát cơm, chiếc đĩa hình bán nguyệt cho tới những tách trà, cốc uống rượu sake… mỗi vật dụng bé nhỏ đều được thiết kế tinh xảo nhắc nhớ đến phong cách Nhật Bản.
Thế nhưng hòa quyện trong đó là cả những nét riêng rất Việt Nam như sắc hồng cánh sen, họa tiết lá sen, hoa sen – loài hoa vốn được coi là quốc hoa của đất Việt. Tất cả như vừa thể hiện sự trân trọng gốc rễ văn hóa ẩm thực của người Nhật, vừa như gợi mở về điểm đến nhiều những điều còn tiềm ẩn Việt Nam.