Nhân dân tệ mất giá cùng chiến tranh thương mại
Chính phủ Mỹ vừa quyết định áp thuế nhập khẩu 10% lên 200 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc, sau các nỗ lực đàm phán bất thành. Trong danh sách đề xuất, có một số hàng hóa thuộc các lĩnh vực trọng tâm trong “Made in China 2025” (Kế hoạch chiến lược giúp biến Trung Quốc thành cường quốc công nghiệp toàn cầu, nổi bật là công nghệ).
Đây là động thái leo thang mới nhất trong căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trước đó, Mỹ đã chính thức áp thuế nhập khẩu 25% lên 34 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Đợt tăng thuế nhập khẩu tới với 16 tỷ USD hàng hóa có thể có hiệu lực sau vài tuần. Tổng thống Mỹ Donald Trump trước đó còn đe dọa sẽ áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc tổng cộng hơn 500 tỷ USD nếu quốc gia này có động thái trả đũa.
Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối kinh doanh tiền tệ và thị trường vốn HSBC Việt Nam nhận định, trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc – Mỹ leo thang, Nhân dân tệ đã giảm đến 3% so với USD, trong khi USD nhìn chung cũng mạnh hơn đáng kể so với các đồng tiền chủ chốt khác.
Với việc Mỹ là thị trường xuất khẩu chủ đạo của Việt Nam và Việt Nam cũng có tỷ trọng nhập siêu lớn từ Trung Quốc, bất kỳ biến động nào trên cán cân thương mại với hệ lụy là cuộc chiến tiền tệ sẽ có những tác động nhất định đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế phân tích, đồng Nhân dân tệ mất giá sẽ tác động rất mạnh lên nền kinh tế Việt Nam. Năm 2018, Nhân dân tệ đã phá giá mạnh, đặc biệt trong thời gian qua, có thể là động thái đối phó với chiến tranh thương mại của Mỹ, mặc dù Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) tuyên bố không dùng tỷ giá là công cụ đối phó với chiến tranh thương mại.
“Nhưng, đó chỉ là tuyên bố bởi trên thị trường tỷ giá hối đoái, nếu không có chủ trương phá giá Nhân dân tệ thì (PBoC) cũng không có động thái hỗ trợ Nhân dân tệ và để rơi”, TS. Hiếu nói.
Cán cân thương mại của Việt Nam sẽ ra sao?
Cũng theo TS. Hiếu, Nhân dân tệ mất điểm rất nhiều thời gian qua, trong khi VND tương đối ổn định với USD trong thời gian qua đồng nghĩa với việc VND lên giá so với Nhân dân tệ và điều này hoàn toàn bất lợi cho kinh tế Việt Nam, bởi Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc rất lớn.
Thống kê mới nhất từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 5 tháng đầu năm 2018, Việt Nam nhập siêu 11,16 tỷ USD từ thị trường Trung Quốc.
TS. Hiếu phân tích, Nhân dân tệ giảm giá so với VND và USD lập tức có lợi cho việc nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc đến Việt Nam, thúc đẩy nhập siêu của Việt Nam với Trung Quốc và ngược lại bất lợi cho xuất khẩu của Việt Nam vào Trung Quốc vì VND cao giá hơn so với Nhân dân tệ nghĩa là hàng hóa của Việt Nam sang Trung Quốc sẽ tăng giá.
“Theo tôi, cán cân thương mại của Việt Nam sẽ bất lợi”, ông Hiếu nói
Trong khi đó, theo nhận định ông Ngô Đăng Khoa, một số ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam có cùng nhóm hàng với Trung Quốc như dệt may, da giày sẽ gặp khó khăn trong việc cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Về phía Mỹ, với việc chuẩn bị áp dụng hàng rào thuế quan lên một số mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam như thép, đồ điện tử, Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực khi đây là những ngành có mức tăng trưởng ấn tượng trong cơ cấu xuất khẩu vài năm trở lại đây.
Tuy nhiên, ông Khoa cũng cho rằng, ở chiều ngược lại, các mối đe dọa về thuế quan tăng thêm Chính phủ Mỹ đối với hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc cũng là cơ hội để Việt Nam tăng cường năng lực sản xuất trong các lĩnh vực như lắp ráp điện tử, vốn đang là xu hướng cạnh tranh của quốc gia trong thời gian qua. Việt Nam nên tận dụng cơ hội này để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư nhằm thu hút nhà đầu tư nước ngoài.
VND chịu tác động gián tiếp, nhưng không đáng ngại
“Nhân dân tệ mất giá tác động trực tiếp đến VND không đáng kể, mà chỉ ảnh hưởng qua xuất nhập khẩu bởi giao dịch Nhân dân tệ không nhiều, kể cả giao dịch mậu dịch thì cũng qua USD nên không tạo ra sự khan hiếm hay dư thừa Nhân dân tệ trên thị trường.
Nhân dân tệ mất giá chủ yếu tác động gián tiếp sẽ không có lợi cho Việt Nam khi chiến tranh thương mại tiếp tục tăng cường mức độ và có thể Nhân dân tệ tiếp tục giảm giá thêm”, TS. Hiếu nói.
Trong khi đó, ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc VIB nhìn nhận, Việt Nam là một trong những nền kinh tế có độ mở lớn, hoạt động xuất khẩu là một trong những định hướng chính cho tăng trưởng kinh tế. Theo đó, tỷ giá được điều hành như thế nào là điều vô cùng quan trọng.
“Ngân hàng Nhà nước điều hành tỷ giá trong rổ tiền tệ tham chiếu với 8 đồng tiền và tôi nhận định chính sách này đang được xử lý khá tốt. Và một điểm cũng cần chú ý đó là, Nhân dân tệ thực tế mất giá khoảng 1,49% nếu tính từ cuối năm 2017 đến nay”, ông Trung nói.
Cũng theo ông Trung, nền tảng kinh tế của toàn cầu đang rất tốt, lạm phát đang ở mức thấp và những gì đang xảy ra hiện tại chỉ mang tính chất hành chính, chứ không phải căn cơ của nền kinh tế. Tương tự ở Việt Nam, dự trữ ngoại hối theo thông tin của Ngân hàng Nhà nước đã đạt 63,5 tỷ USD, đồng thời với đó là kinh tế vĩ mô ổn định… Nghĩa là những yếu tố căn bản nhất của nền kinh tế vẫn tốt.
“Những vấn đề mang tính hành chính có tác động, nhưng không quá cực đoan theo một vài nhận định hiện nay. Tôi nghĩ rằng không nên quá lo lắng”, ông Trung nhấn mạnh.
Một nghiên cứu của Ban Kinh doanh vốn và tiền tệ BIDV nhận định, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai các giải pháp can thiệp cần thiết góp phần quan trọng ổn định thị trường ngoại hối. Cụ thể, ngày 3/7, Ngân hàng Nhà nước đã niêm yết tỷ giá bán ngoại tệ cho các ngân hàng thương mại ở mức 23.050 đồng/USD, thấp hơn 244 điểm so với tỷ giá trần.
Với bước đi này, Ngân hàng Nhà nước đã cho thấy rõ sự quyết tâm cũng như tự tin từ phía cơ quan quản lý và có thể tác động tích cực đến diễn biến tỷ giá trên ba khía cạnh: Thứ nhất, bổ sung ngoại tệ cho thị trường; thứ hai, làm thu hẹp chênh lệch lãi suất VND/USD trên thị trường liên ngân hàng; thứ ba, giúp tâm lý thị trường ổn định trở lại, khi xác lập một “ngưỡng chặn trên” ở mức tỷ giá bán ra trong ngắn hạn.