Báo cáo kinh tế vĩ mô quý 2/2018 vừa được Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) công bố ngày 11/7.
Theo báo cáo, với mức tăng trưởng tích cực 6,79% của quý 2, và dù triển vọng kinh tế nửa sau của năm có thể thấp hơn, mục tiêu tăng trưởng 6,5-6,7% của năm 2018 vẫn được coi là khả thi.
Song, Viện trưởng VEPR, TS. Nguyễn Đức Thành nhấn mạnh rằng mức tăng trưởng GDP không phải là dấu hiệu cần và đủ cho thấy “sức khoẻ” tốt của nền kinh tế, đặc biệt là khi các nhược điểm cố hữu vẫn còn đó, nhất là sự “mong manh” về tài khoá. Việt Nam không có các khoản dự phòng làm “đệm” giảm sốc, trong khi kinh tế lại phụ thuộc đáng kể vào nhiều yếu tố bên ngoài”.
Trong phần lưu ý về chính sách, các tác giả bản báo cáo cho rằng trong bối cảnh các ngân hàng Trung ương các nền kinh tế lớn có xu hướng thắt chặt tiền tệ cùng với nguy cơ lạm phát gia tăng mạnh trong thời gian gần, tồn tại một khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng lãi suất đồng VND để ổn định tỷ giá. Đây là một rủi ro quan trọng mà các doanh nghiệp và nhà đầu tư cần lưu ý, vì lãi suất tăng sẽ thay đổi toàn bộ trạng thái các thị trường hiện nay.
Tại buổi công bố báo cáo, TS Phạm Sỹ Thành cho rằng, việc tốt nhất Việt Nam có thể làm là giảm giá VND đối với USD ở mức vừa phải và thấp hơn mức giảm giá của đồng nhân dân tệ so với USD. Cơ sở cho loại ý kiến này là do đặc thù của Việt Nam (vốn nhập khẩu nhiều nguyên liệu từ Trung Quốc để chế biến và xuất khẩu), việc điều chỉnh tỷ giá như vậy khiến các nhà nhập khẩu nguyên liệu có lợi từ thị trường Trung Quốc, đồng thời các nhà nhập khẩu có lợi thêm từ việc xuất khẩu. Từ đó, Việt Nam có thể đồng thời tận dụng hai thị trường lớn (Trung Quốc và Mỹ) để cải thiện tình trạng sản xuất và cán cân thương mại.
Các chuyên gia của VEPR cũng lưu ý, tình trạng hàng hóa Trung Quốc có thể đổ vào Việt Nam nhiều hơn trong diễn biến của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung cần được chuẩn bị quản lý tốt hơn, nhằm tránh gây thiệt hại cho các doanh nghiệp nội địa.