Cho dù không có được những đóng góp đột biến như của Samsung và Formosa năm 2017, nhưng tốc độ tăng trưởng 6 tháng năm 2018 đã đạt được mức cao nhất so với cùng kỳ của 11 năm qua. Vậy tăng trưởng có được nhờ đâu, thưa Bộ trưởng?
Qua 6 tháng triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, nhìn chung các bộ, ngành, địa phương đã chủ động, tích cực thực hiện các giải pháp đề ra. Trong công tác chỉ đạo, điều hành Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã thể hiện sự quyết tâm cao, tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra; từng bước tháo gỡ vướng mắc, khó khăn nhằm tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, minh bạch, bình đẳng cho phát triển…
Nhờ đó, tình hình kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm 2018 tiếp tục diễn biến tích cực, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước đạt 7,08%, là mức cao nhất của 6 tháng từ năm 2011 trở lại đây, tạo đà thuận lợi để đạt mục tiêu cả năm 6,7% đã đề ra. Đáng chú ý tăng trưởng toàn diện trên cả 3 khu vực: nông, lâm nghiệp và thủy sản. Trong đó, động lực chủ yếu đóng góp vào tăng trưởng chung là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, cầu tiêu dùng tiếp tục tăng khá và cán cân thương mại thặng dư cho thấy xu hướng cải thiện trong tăng trưởng vẫn được duy trì.
Là một thành viên tổ điều hành kinh tế vĩ mô, xin Bộ trưởng cho biết công tác điều hành giữ ổn định vĩ mô đã đạt được kết quả như thế nào?
Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát nhờ có sự điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác. Chỉ số giá tiêu dùng vẫn nằm trong tầm kiểm soát so với mục tiêu phấn đấu là dưới 4%.
Tín dụng tăng trưởng tốt từ đầu năm, đến ngày 20/6/2018 đạt 6,35%, đây là mức tăng trưởng lành mạnh và hợp lý. Thanh khoản hệ thống được đảm bảo; mặt bằng lãi suất cơ bản ổn định, một số ngân hàng thương mại đã điều chỉnh giảm khoảng 0,5% lãi suất cho vay đối với một số đối tượng ưu tiên; tỷ giá và thị trường ngoại tệ nhìn chung ổn định; dự trữ ngoại hối tăng; thị trường chứng khoán phục hồi và có mức tăng nhẹ so với tháng trước, khoảng 1% và đạt 980 điểm ngày 20/6…
Đặc biệt, tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước bằng 32,9% GDP và tăng 10,1% so với cùng kỳ, trong đó khu vực ngoài nhà nước chiếm tỷ trọng lớn nhất (41,3%) và có mức tăng cao nhất phản ánh sự đúng đắn và đi vào cuộc sống chủ trương của Đảng về phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Niềm tin của cộng đồng DN và nhà đầu tư vào đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật, vào tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế và công cuộc phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước tiếp tục được củng cố. Nhờ đó, các chỉ số về đầu tư nước ngoài và phát triển DN vẫn tăng tích cực, nhất là khi so với mặt bằng cao kỷ lục của cùng kỳ năm 2017.
Trước đây Bộ đã dự báo tốc độ tăng GDP sẽ giảm dần theo các quý. Vậy tăng trưởng năm nay có đạt được mục tiêu?
Đúng như dự báo từ đầu năm, mô hình tốc độ tăng GDP năm 2018 có xu hướng giảm dần, GDP quý I là 7,45%, GDP quý II còn 6,79% và GDP của 6 tháng là 7,08%. Tuy vẫn ở mức khá, nhưng để đạt được mục tiêu kịch bản tăng trưởng đề ra 6,7% thì cần có sự nỗ lực, phấn đấu mạnh mẽ hơn nữa, cố gắng đạt khoảng 6,53% vào quý III và 6,36% vào quý IV. Lý do là các quý cuối năm 2017 đã đạt mức tăng trưởng rất cao, nên tăng trưởng các quý cuối năm 2018 nếu đạt trên 6% là rất tích cực. Một số tổ chức quốc tế vẫn dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2018 ở mức khá, ví dụ như Quỹ Tiền tệ quốc tế dự báo đạt khoảng 6,6% và là mức tăng tốt nếu so sánh với các nước trong khu vực.
Hiện nay, có một số ý kiến cảnh báo về khủng hoảng kinh tế chu kỳ 10 năm, và ý kiến của Bộ trưởng về cảnh báo này?
Đánh giá lại các cuộc khủng hoảng chu kỳ trước đây, nguyên nhân chủ yếu xuất phát là từ khu vực tài chính, tiền tệ, bất động sản. Tuy nhiên, tình hình tài chính, tiền tệ của nước ta hiện nay vẫn trong tầm kiểm soát và được điều hành linh hoạt, thanh khoản hệ thống ngân hàng tốt, mặt bằng lãi suất ổn định. Thị trường chứng khoán đã có bước điều chỉnh sau một thời gian tăng trưởng nóng. Thị trường bất động sản đã có sự hạ nhiệt sau khi Chính phủ có những chỉ đạo quyết liệt đối với các giao dịch nhà đất không đúng quy định, nhất là tại các khu vực dự kiến thành lập Khu hành chính – kinh tế đặc biệt, tín dụng cho bất động sản được kiểm soát hiệu quả…
Những tín hiệu trên cho thấy ít có khả năng xảy ra khủng hoảng kinh tế chu kỳ, nhưng vẫn cần theo dõi chặt chẽ các tín hiệu để sớm có giải pháp ứng phó kịp thời.
Vậy để đạt mục tiêu, việc quan trọng nhất phải làm là gì, thưa Bộ trưởng?
Trên cơ sở kết quả đạt được 6 tháng đầu năm và những vấn đề cần quan tâm trong 6 tháng cuối năm, giải pháp cơ bản và quan trọng nhất là củng cố niềm tin của cả hệ thống, DN, nhân dân, kiên định và quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP và các chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Trong đó cần tập trung hơn vào các nhóm giải pháp sau đây: Phối hợp chặt chẽ, điều hành linh hoạt, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng trong năm 2018 theo kịch bản điều hành đã đề ra.
Đồng thời, phải theo dõi, giám sát định kỳ và thường xuyên nắm chắc tình hình diễn biến của kinh tế thế giới và trong nước, thúc đẩy phát triển nhanh những lĩnh vực chủ chốt, những dự án lớn, động lực của tăng trưởng kinh tế, kịp thời đề ra những điều chỉnh cần thiết khi có sự thay đổi lớn. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại các ngành lĩnh vực, trong đó đẩy mạnh phát triển về chất lượng nhằm tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế trước những biến động khó lường của kinh tế và thương mại thế giới.
Giải pháp nữa là đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, trong đó tập trung hoàn thành sớm các công trình, dự án có ý nghĩa nâng cao năng lực sản xuất cho nền kinh tế.
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!