Đây là điều không mấy bất ngờ, bởi YEG chào sàn với thị giá cao nhất TTCK, trong khi hoạt động kinh doanh của YEG chưa thật sự nổi trội so với các doanh nghiệp niêm yết khác.
Giá CP cao ngất
YEG chính thức niêm yết 27,3 triệu CP trên sàn HOSE trong phiên giao dịch ngày 26-6, với giá tham chiếu 250.000 đồng/CP. Việc YEG chào sàn với mức giá lên đến 25.000 khiến giới đầu tư hết sức bất ngờ, bởi thời điểm này mã CP có thị giá cao nhất trên TTCK là SAB (TCTCP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn) cũng chỉ ở mức 225.000 đồng/CP.
Với mức giá chào sân này, P/E của YEG lên đến 50x, cao gấp 2,7 lần so với P/E bình quân của VN Index là 18,74x. Thế nhưng, mức giá này chưa gây choáng bằng việc YEG có 3 phiên tăng trần lên tiếp lên mức giá khủng 343.000 đồng/CP. Ở mức giá này, vốn hóa thị trường của YEG lên đến 9.400 tỷ đồng (gấp 34 lần vốn điều lệ).
Vậy đâu là yếu tố giúp YEG được định giá ở mức đỉnh trên TTCK? Điểm nhấn đầu tiên Yeah1 chính là 1 trong 38 đối tác xuất bản chính thức của Google (Google Certified Publishing Partner), và là 1 trong 5 đối tác được khai thác tất cả nền tảng cơ bản của Google trên toàn cầu.
Với Youtube, Yeah1 là nhà quản lý mạng lưới gồm hơn 1.000 kênh chất lượng cao (chiếm khoảng 25% số lượt xem Youtube tại thị trường Việt Nam), là MCN (hệ thống đa kênh Youtube) đứng đầu châu Á và lớn thứ 6 trên thế giới. Với nội dung đa dạng và thu hút nhiều người xem trên toàn cầu, hệ thống Youtube của YEG được trao tặng 12 Nút Vàng (cho các kênh có hơn 1 triệu lượt người theo dõi), 280 Nút Bạc (cho các kênh có hơn 100.000 lượt người theo dõi) và 4,4 tỷ lượt xem trung bình hàng tháng.
Hiện 4 kênh truyền hình do YEG sở hữu và vận hành được phủ sóng 57 tỉnh thành trên cả nước, thông qua 3 nhà cung cấp truyền hình kỹ thuật số lớn nhất là VTVCab, SCTV và HCTV. Ngoài ra, YEG còn là nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo trên truyền hình lớn nhất cả nước với hơn 16 đài truyền hình tư nhân, địa phương và nhà nước.
Rủi ro cạnh tranh
Tuy nhiên, bên cạnh những điểm nhấn đầu tư trên, YEG vẫn đối mặt với nhiều rủi ro và thách thức. Đầu tiên là áp lực cạnh tranh từ các đối thủ trong nước và quốc tế. Chẳng hạn, trên Youtube, đối thủ của YEG là POPS Worldwide (Việt Nam), GMM (Thái Lan), Freedom (Philippines) hay IDYT Network (Indonesia).
Trên các kênh truyền hình giải trí, YEG phải đối mặt với VTV, HTV, THVL có thị phần lớn và nguồn vốn dồi dào. Ngay như công ty con của YEG là Netlink, dù là đối tác xuất bản duy nhất của Google tại thị trường Đông Nam Á, nhưng phải cạnh tranh với 37 đối tác xuất bản khác trên toàn cầu như Acceleration eMarketing, Acqua Media hay AddApptr.
Một yếu tố không thể không nhắc đến là Luật An ninh mạng vừa được Quốc hội thông qua ngày 12-6. Theo nhận định của các chuyên gia trong lĩnh vực, Luật An ninh mạng ít nhiều ảnh hưởng gián tiếp đến hoạt động kinh doanh của Yeah1 thông qua các đối tác toàn cầu như Google hay Facebook.
Ngoài ra, YEG còn đứng trước các rủi ro trong tương lai, như rủi ro về vấn đề bản quyền, về thay đổi xu hướng công nghệ và từ sự thay đổi chính sách của các nền tảng kỹ thuật số, về thị hiếu người xem theo thời gian, đặc biệt là rủi ro hiệu quả kinh doanh không theo kịp tốc độ tăng vốn.
Thực tế, hoạt động kinh doanh của YEG chưa thật sự nổi bật so với tốc độ tăng vốn trong thời gian gần đây. Theo thống kê, tính đến thời điểm hiện nay, YEG đã có 10 đợt tăng vốn, từ số vốn ban đầu 500 triệu đồng lên 273,7 tỷ đồng. Theo báo cáo tài chính quý I-2018, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của YEG đạt lần lượt 330,2 tỷ đồng và 39,2 tỷ đồng. Với kết quả này, YEG chỉ hoàn thành 20,6% kế hoạch doanh thu và 22,8% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2018 là 1.600 tỷ đồng và 172 tỷ đồng.
Nhiều giao dịch lạ
Tháng 4-2018, YEG có đợt tăng vốn từ 238 tỷ đồng lên 273,7 tỷ đồng bằng việc phát hành CP cho cổ đông với tỷ lệ 15%. Ngoài đợt tăng vốn này, trong năm 2018, YEG còn có kế hoạch phát hành riêng lẻ 3,9 triệu CP cho ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, Chủ tịch HĐQT, để tăng vốn lên mức 312,7 tỷ đồng. Điều đáng nói, giá phát hành được xác định theo thỏa thuận trực tiếp với NĐT, nhưng không thấp hơn giá trị sổ sách theo báo cáo tài chính gần nhất (31-3-2018) là 13.884 đồng/CP.
Từ kế hoạch phát hành, giới đầu tư nhận ra những bất thường trong các thương vụ mua bán cổ phần trước và sau khi YEG niêm yết. Cụ thể, phiên giao dịch ngày 27-6, xuất hiện giao dịch thỏa thuận 7,82 triệu CP YEG với mức giá 300.000 đồng/CP.
Trước khi niêm yết, ông Tống đã bán 3,91 triệu cổ phần cho ông Hồ Ngọc Tấn. Số cổ phần này bằng đúng số CP riêng lẻ YEG dự định phát hành cho ông Tống như đã nói ở trên. Cũng trong thời gian này cổ đông lớn tại YEG là DFJ VinaCapital bán 7,82 triệu cổ phần cho một nhóm cổ đông khác.
Theo giới phân tích, những giao dịch của ông Tống và DFJ VinaCapital thực chất chỉ là chiêu lách luật, nhằm tạo điều kiện cho NĐT sở hữu YEG không phải chờ đợi thời gian hạn chế chuyển nhượng theo quy định. Trước đó, YEG thực hiện phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) với tổng số cổ phần bán ra 7,82 triệu cổ phần.
Không giống các vụ IPO bình thường là NĐT mua cổ phần trước khi niêm yết, trong thương vụ này NĐT sẽ mua YEG vào ngày thứ 2, sau khi YEG đã được giao dịch trên thị trường niêm yết (để được phép giao dịch thỏa thuận) với giá 300.000 đồng/CP. Việc này được thực hiện theo quy định cụ thể tại hợp đồng mua bán, tương tự như giao dịch của NĐT thông thường.
Với phương thức mua bán này, CP sẽ về tài khoản của NĐT IPO và được phép giao dịch tự do sau 3 ngày. Điều này sẽ hạn chế rủi ro về thời gian chờ đợi CP IPO được giao dịch chính thức. Theo giới phân tích, thương vụ mua bán này có thể gây xung đột lợi ích cho các cổ đông còn lại, vì những giao dịch này có nhiều yếu tố cấu thành giao dịch nội gián.