Mày mò theo kinh nghiệm
Mục tiêu của ngành Du lịch trong năm 2018 là phấn đấu đón từ 15-17 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 68-70 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt 620.000 tỷ đồng, tương đương 27,5 tỷ USD. Muốn đạt được mục tiêu trên thì việc triển khai xúc tiến du lịch có hiệu quả sẽ mang lại kết quả đáng mong chờ.
Ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ thị trường (Tổng cục Du lịch) đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong hoạt động quảng bá du lịch Việt như chưa có nghiên cứu thị trường cơ bản, số liệu nghiên cứu thị trường vẫn còn rất chung chung, chưa cập nhật thường xuyên các dự báo, xu hướng thay đổi của thị trường để có những điều chỉnh phù hợp. Đồng thời, vẫn thiếu kết nối giữa các tỉnh, các doanh nghiệp dẫn đến việc mạnh ai nấy làm. Đặc biệt, kinh phí được cấp từ ngân sách cho quảng bá, xúc tiến du lịch của nước ta là 2 triệu USD một năm, rất thấp so với yêu cầu thực tế 10 triệu khách nước ngoài. Trong khi đó, kinh phí của Thái Lan là 69 triệu USD (32,5 triệu khách quốc tế), Malaysia là 105 triệu USD (26,7 triệu khách), Singapore là 80 triệu USD (16,4 triệu khách), Indonesia là 200 triệu USD (10,2 triệu khách). “Đáng chú ý, do tỷ lệ khách quốc tế quay lại Việt Nam còn thấp (khoảng 30%), nên chi phí quảng bá bỏ ra trên một đầu khách quá đắt”, ông Đức cho biết.
Theo ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của Tập đoàn Le Invest (Holdings) Corporation, hiện chi phí giữ một khách cũ chỉ bằng 1/5 so với thu hút một khách mới. Vì vậy, để quảng bá hiệu quả đầu tiên là dựa vào sản phẩm. Phải giữ chân được du khách, kéo khách du lịch quay trở lại, chăm sóc, duy trì các mối quan hệ với khách hàng cũ sau đó mới xúc tiến, quảng bá đến các khách du khách mới. Điều này cần phải có một chiến lược marketing đồng bộ.
Còn ông Phạm Tiến Dũng, Giám đốc Golden tours cho rằng, hiện nay chưa có nghiên cứu thị trường tổng thể nên doanh nghiệp tự mày mò theo kinh nghiệm. Các dữ liệu về bản đồ, hình ảnh du lịch quốc gia, doanh nghiệp du lịch đều phải tự đi mua lẻ trên thị trường. Đáng lẽ những hình ảnh này phải có trong kho dữ liệu của Tổng cục Du lịch. Trong khi đó, tại Singapore, dữ liệu về từng thị trường khách, xu hướng thay đổi của từng thị trường đều được cập nhật trên trang web và từ đó các doanh nghiệp du lịch có thể khai thác để điều chỉnh sản phẩm du lịch cụ thể.
“Các doanh nghiệp vẫn ở tình trạng làm cho có là chủ yếu, thiếu thông tin cho du khách, không có thống kê về số lượng người truy cập… Vì vậy, khi nguồn kinh phí không đủ cho xúc tiến du lịch theo chiều rộng thì chúng ta cần lựa chọn những giải pháp thông minh để làm. Chỉ cần chọn 1-2 thị trường làm xúc tiến có bài bản, đến nơi đến chốn thì ngành du lịch đã hưởng lợi rất lớn thay vì tranh giành khách với nhau”, ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhấn mạnh.
Lấy gì để “nuôi” các chương trình xúc tiến
Trong thực hiện xúc tiến du lịch, sản phẩm độc đáo thôi là không đủ thành công nếu không có cách làm du lịch độc đáo hơn, thông minh hơn. Vì vậy, ông Nguyễn Hữu Thọ cho rằng, hiện công tác xúc tiến du lịch mới chỉ dừng ở mức độ truyền thông, trong khi đó, xúc tiến du lịch tại từng thị trường khách gắn với từng sản phẩm cụ thể thì gần như rất yếu. Song để làm công tác xúc tiến du lịch bài bản, nhất thiết phải thuê công ty nước ngoài có những nghiên cứu chuyên sâu từng thị trường với các chỉ số cụ thể. Từ đó mới lập chiến lược, kế hoạch và mục tiêu cụ thể. Muốn xúc tiến hiệu quả cần biết thị trường là đâu, họ muốn gì. Bên cạnh đó, trước hết phải đảm bảo chu kỳ ít nhất 5 năm phải có sản phẩm mới thì mới có thể giữ được khách cũ và có khách mới.
Có thể kể đến ở đây chương trình xúc tiến du lịch của Singapore khi phát triển một hệ thống các resort, khu vui chơi mới như Sentosa resort, Marina Bay… Các sản phẩm mới này giúp Singapore tiếp tục thu hút khách cũ và tăng khách mới, nhờ đó tăng trưởng 30%, đạt 30 triệu khách du lịch. Có sản phẩm mới có thể “nuôi” được xúc tiến, quảng bá.
Bên cạnh việc cho ra các sản phẩm mới để giữ chân du khách và thu hút thêm du khách mới. Ông Lê Đắc Lâm, CEO của VnTrip cho rằng, không cần có quá nhiều sản phẩm mới mà song song với đó là phải cải thiện chất lượng dịch vụ để khách nước ngoài hài lòng khi trải nghiệm tại Việt Nam. Đồng thời cần có những nghiên cứu cụ thể và chính xác về thị trường du lịch bởi khi đi huy động vốn, rất nhiều nhà đầu tư hỏi về số liệu của Việt Nam, trong khi đó Tổng cục Du lịch không có số liệu hoặc số liệu không đồng nhất.
Đồng quan điểm với ông Lê Đắc Lâm, ông Lê Quốc Vinh cho biết, thực tế hiện nay khách khá hài lòng khi ở trong các khách sạn, resort… nhưng khi đi tới các nhà hàng, nơi buôn bán, những khu vực ngoài resort…, họ lại thường nhận được chất lượng dịch vụ không như mong muốn. Vì thế không chỉ cần có cơ sở tốt mà còn phải có cả môi trường du lịch tốt. Điều này sẽ giúp cải thiện chỉ số hài lòng của du khách, nhờ đó tỉ lệ quay lại của khách hàng với du lịch Việt Nam sẽ tăng lên.
“Nhiều cơ quan du lịch ở nước ngoài họ đều thuê nhân sự ngoài bởi làm quảng cáo không đơn vị nào giỏi bằng agency (đơn vị cung cấp dịch vụ tiếp thị, quảng cáo). Lasvegas 34 năm thuê một agency, Singapore cũng thuê, trong khi Việt Nam chỉ có thể thuê chuyên gia, nhưng bao nhiêu % ý kiến đó được tập hợp lại để đưa vào xem xét, nghiên cứu. Cần có agency thấu hiểu thị trường, đó là phương cách tiếp cận thị trường hiệu quả. Có thể kể đến ở đây trường hợp của Vietnam Airlines, họ thuê hẳn một công ty nghiên cứu thị trường, nghiên cứu từng thị trường để đo chỉ số nhận biết thương hiệu của VNA ở mỗi thị trường đó, từ đó thay đổi cách nhận thức quảng bá thương hiệu để gia tăng chỉ số nhận biết của khách hàng… thương hiệu Việt Nam cũng nên làm như thế”, ông Vinh đề xuất.