Xuất khẩu giảm tốc vì điện thoại, điện tử
Xuất khẩu tháng 7 chỉ tăng 10,5% đã kéo tăng trưởng xuất khẩu 7 tháng xuống 15,3% so với cùng kỳ, mức thấp nhất 16 tháng. Với khối trong nước duy trì được tốc độ tăng trưởng cao (18,7%) thì khối FDI đã tăng chậm lại rõ rệt, xuống chỉ còn 14,9%, cũng là mức thấp nhất 16 tháng. Khối FDI chiếm tỷ trọng xuất khẩu lớn (khoảng 70%), nên sự giảm tốc của khối này là nguyên nhân chính kéo giảm tăng trưởng xuất khẩu chung.
Hiện đa phần các mặt hàng xuất khẩu chủ đạo của Việt Nam đều do khối FDI chi phối như điện thoại, điện tử, máy móc thiết bị hay dệt may, giày dép. Trong đó, điện thoại là mặt hàng quan trọng, chiếm tới 1/5 tổng xuất khẩu cũng như GDP của Việt Nam nên xuất khẩu điện thoại giảm tốc nhanh chắc chắn sẽ có tác động lớn đến tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, sau một giai đoạn tăng trưởng rất ấn tượng, xuất khẩu điện thoại đột ngột chậm lại từ quý II mà nguyên nhân chính là do Samsung giảm sản lượng.
“Lý do Samsung giảm sản lượng tại Việt Nam không được công bố nhưng đây có thể là sự thay đổi có tính chiến lược khi Samsung vừa khánh thành nhà máy lắp ráp điện thoại lớn tại Ấn Độ”, báo cáo Việt Nam Trade Monitor của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) ngày 6/8 nhận định.
Bên cạnh đó, dù cũng giảm tốc như điện thoại nhưng xuất khẩu điện tử không gây bất ngờ bởi xu hướng này đã bắt đầu từ năm 2017 khi cả Samsung và LG đều phải tính đến việc mở nhà máy tại Mỹ sau các sức ép của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Như trước cuộc gặp giữa Tổng thống Hàn Quốc và Tổng thống Mỹ vào giữa năm 2017, Samsung đã tuyên bố kế hoạch đầu tư 380 triệu USD xây dựng nhà máy sản xuất máy giặt và đồ điện tử tại Mỹ. Quý II/2018, đà giảm của xuất khẩu điện tử đã có phần chững lại, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng đứng ở mức thấp, chỉ 13,8%.
Trong khi xuất khẩu máy móc, thiết bị của khối FDI chưa chịu nhiều sức ép như điện thoại, điện tử. Tăng trưởng duy trì đều đặn ở mức cao và tính chung 6 tháng, xuất khẩu máy móc thiết bị của khối FDI đã đạt 7 tỷ USD, tăng 31,7%. Tương tự, xuất khẩu máy ảnh, máy quay phim đạt 2 tỷ USD, tăng 35% so với cùng kỳ. Xuất khẩu hàng dệt may là điểm sáng của khối FDI với tốc độ tăng trưởng ổn định ở mức 16%, gấp đôi so với cùng kỳ. Trong khi xuất khẩu giày dép có phần đuối hơn khi giảm xuống mức 8-9%.
Lo ở thế nhập siêu lâu dài
Cùng với đà giảm của xuất khẩu, nhập khẩu cũng có xu hướng giảm khi hàng loạt các mặt hàng nhập khẩu là đầu vào cho sản xuất và xuất khẩu sụt giảm mạnh. Tăng trưởng nhập khẩu của khối FDI ở những mặt hàng chính đều thấp hơn rõ rệt so với khối trong nước. Trong đó máy móc, linh kiện điện thoại, nguyên phụ liệu dệt may và da giày đã ghi nhận tăng trưởng âm trong 6 tháng đầu năm.
Trong bối cảnh cả xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm tốc, nhập siêu đã quay trở lại do lượng xuất siêu của khối FDI giảm trong khi nhập siêu của khối trong nước vẫn đứng ở mức cao. Theo đó, xuất siêu của khối FDI trong tháng 7 là 2 tỷ USD, thấp hơn mức trung bình 6 tháng đầu năm là 2,6 tỷ USD, trong khi nhập siêu của khối trong nước là 2,3 tỷ USD, cao hơn trung bình 6 tháng là 2 tỷ USD.
Khối FDI nhìn chung nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu nên duy trì được giá trị xuất siêu trong thời gian dài. Do đó khi xuất khẩu giảm thì giá trị xuất siêu của khối FDI cũng giảm. Ngược lại với khối trong nước, ngoài việc nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu thì phần lớn hàng nhập khẩu để sản xuất và tiêu dùng trong nước, vì vậy khối trong nước luôn nhập siêu.
Hệ quả là khi xuất khẩu của khối FDI giảm sút, cán cân thương mại sẽ nghiêng dần về phía nhập siêu. Xuất siêu của 7 tháng đầu năm 2018 là 3 tỷ USD, trong đó phần lớn đến từ kết quả của quý I. Với những diễn biến mới trong quý II, giá trị xuất siêu này sẽ giảm dần và có thể sẽ không còn xuất siêu khi hết năm 2018.
“Từ các số liệu xuất nhập khẩu 7 tháng đầu năm, có lý do để chúng ta phải đề phòng với những rủi ro mới phát sinh. Đó là sự tăng trưởng chậm lại của khối FDI mà nòng cốt là các mặt hàng điện thoại, điện tử và sự thu hẹp của thị trường Trung Quốc. Nhập siêu đã quay trở lại và có thể còn kéo dài cho đến khi Việt Nam tìm được động lực thúc đẩy xuất khẩu mới và/hoặc nguồn cung trong nước đủ sức thay thế hàng nhập khẩu”, ông Nguyễn Đức Hùng Linh – Giám đốc Phân tích & Tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân thuộc SSI dự báo.
Theo báo cáo Việt Nam Trade Monitor, biện pháp trước mắt khi không thể thúc đẩy xuất khẩu là hạn chế nhập khẩu thông qua các hàng rào kỹ thuật và hàng rào thuế quan (như thuế tự vệ đối với thép).