Phát biểu trong Lễ công bố Báo cáo Xuất nhập khẩu 2017, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, Chủ tịch Hội đồng biên tập báo cáo cho biết, để có được thành tích ngoạn mục của xuất nhập khẩu Việt Nam 2017, phải kể đến các yếu tố khách quan và chủ quan.
Về khách quan, kinh tế thế giới tăng trưởng tích cực hơn, giá hàng hóa nguyên liệu ổn định, các thị trường nhập khẩu của Việt Nam tiếp tục được duy trì mở rộng nhu cầu là các yếu tố cơ bản.
Về chủ quan, năng lực sản xuất kinh doanh của DN được cải thiện, thị trường mở rộng nhờ tận dụng cơ hội với các FTA, cải thiện môi trường kinh doanh và gỡ vướng các rào cản tạo điều kiện kinh doanh của Chính phủ…
Số liệu của Bộ Công thương công bố năm 2017 cho thấy, xuất khẩu Việt Nam đạt tổng giá trị kim ngạch 214,02 tỷ USD, tăng 21,2% so với 2016. Đây là con số ngoạn mục bởi lần đầu tiên Việt Nam vượt mốc xuất khẩu 200 tỷ USD.
Ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương cho biết, trong tổng kim ngạch đó, có 8 mặt hàng trên 6 tỷ USD, 20 mặt hàng trên 2 tỷ USD, 29 mặt hàng trên 1 tỷ USD. Trong nhóm trên 1 tỷ USD có nhiều ngành rất nhỏ mà cách đây 2,3 năm không thể nghĩ tới kết quả này. Tỷ trọng của các nhóm ngành xuất khẩu cũng đang hướng đến thể hiện rõ chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu với hàm lượng nhóm ngành sản phẩm chế biến sâu có giá trị gia tăng tăng lên, nhóm xuất khẩu thô ảnh hưởng đến tài nguyên giảm bớt.
Cũng theo ông Hải, trong bản đồ xuất khẩu của Việt Nam, các khu vực lớn được duy trì với 28 thị trường xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD, 7 thị trường trên 4 tỷ USD, 4 thị trường trên 10 tỷ USD, trừ châu Phi không có tăng trưởng. “Việt Nam đã chứng tỏ khả năng duy trì được các thị trường truyền thống và mở rộng hơn”, ông Hải nói.
Về phía nhập khẩu 2017, Việt Nam có tổng kim ngạch nhập khẩu tăng cao nhưng tập trung các nhóm cần nhập khẩu phục vụ sản xuất máy móc thiết bị nguyên vật liệu – điều này đúng và cần thiết với nền kinh tế có độ mở lớn, phục vụ nhiều DN nhiều doanh nghiệp xuất khẩu.
Một số tín hiệu tích cực cũng được đại diện Bộ Công Thương đưa ra như: Cán cân thương mại thặng dự 2,92 tỷ USD cao nhất từ trước đến nay. Xuất siêu được 3 tỷ USD cũng là con số tuyệt đối cũng lớn nhất từ trước đến nay, với các nước phát triển lớn như Hoa Kỳ, EU. Còn nhập siêu từ châu Á như Asean, Hàn Quốc tăng nhanh thay cho mọi năm tỷ trọng nhập siêu chỉ dồn từ phía thị trường Trung Quốc.
Phân tích sâu, đại diện Bộ Công Thương cho biết, có nhiều nhóm “động lực” đối với thị trường 2017 và cả 2018. Trong đó, để tạo thuận lợi cho xuất khẩu với cơ sở hạ tầng tích cực trước hết là nhóm pháp luật với nhiều luật, nghị định cải thiện môi trường kinh doanh được ban hành như Luật quản lý ngoại thương, có thể ví là một bước tiến xa so với Luật “hỗn hợp” là Luật Thương mại được ban hành từ 2005. Cùng với đó là chính sách phát triển xuất khẩu với các chiến lược, định hướng và tầm nhìn dài hạn đã được đặt ra.
Năm 2017, Bộ Công thương đã thực hiện các biện pháp thúc đẩy xuất khẩu bãi bỏ 49 thủ tục hành chính, đơn giản hóa 143 thủ tục hành chính, đưa phương án cắt giảm 675 điều kiện đầu tư kinh doanh, có 47 dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3,4 xử lý trực tuyến 97% hồ sơ xuất nhập khẩu. Cùng với đó là nâng cao năng lực logistic, có nhiều chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, chương trình Thương hiệu quốc gia.
Ngoài ra, ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh, thành tích xuất khẩu có đóng góp các FTA, với 17 Hiệp định Thương mại tự do được ký kết trong đó 11 Hiệp định có hiệu lực. Các DN đang quan tâm Hiệp định CPTPP, EFTA đang tiếp tục đàm phán trong 2018, EVFTA Hiệp định Thương mại tự do-Hiệp định bảo hộ đầu tư – 1 khu vực thương mại nhỏ ở châu Âu nhưng tạo tiền để VN-EU khi ký sẽ “bao trùm” tự do thương mại ở khu vực này, đang trong quá trình hoàn thiện, RCEP bao trùm 6 nước ở Asean là 1 phiên bản nâng cấp sâu hơn củe Hiệp định Asean cũng sẽ được Bộ và Chính phủ nỗ lực kết thúc trong 2018.
Bộ Công Thương đánh giá, một trong những “chìa khóa” của xuất khẩu và tận dụng tối đa FTAs, đặc biệt là CPTPP với quy định về nội hàm thành tố sản phẩm từ các quốc gia thành viên, là xuất xứ hàng hóa, thì thực tế hiện các DN xuất khẩu Việt Nam vẫn chưa hình dung hết tầm quan trọng. Bộ Công Thương đã, đang thúc đẩy đào tạo để tiến đến doanh nghiệp có thể tự cấp chứng nhận xuất xứ C/O, chủ động giấy thông hành để vào các thị trường.
Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam thường niên với số liệu khách quan, chính xác, trung thực, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, đây sẽ là dữ liệu cần thiết để doanh nghiệp, tổ chức, ngành hàng có cái nhìn tổng quan và có cơ sở để đưa ra các quyết định kinh doanh quan trọng, có ích trong chiến lược phát triển và hoạt động xuất nhập khẩu.
Được biết, đây là năm thứ 2 Bộ Công Thương thực hiện báo cáo này.