Giữa muôn trùng vây
Từ 31/12/2018, mặt hàng tôm và bào ngư xuất khẩu vào thị trường Mỹ sẽ phải tuân theo Chương trình giám sát nhập khẩu thủy sản Mỹ (SIMP).
Trước đó, kể từ 1/1/2018, Mỹ triển khai Chương trình SIM đối với 13 loài thủy hải sản là các loài ưu tiên nhằm chống lại các hoạt động đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định (IUU) và gian lận thương mại thủy sản. Khi đó, Chương trình chủ yếu áp dụng đối với các đối tượng thủy hải sản đánh bắt, tôm và bào ngư nằm ngoài đối tượng giám sát.
Tuy nhiên, hai mặt hàng trên đã chính thức được đưa vào SIMP theo quy định cuối cùng được Cục Quản lý đại dương và khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA) công bố ngày 24/4/2018 vừa qua.
Ngoài ra, con tôm Việt cũng chịu mức thuế chống bán phá giá cao ở mức gần 4,8% và là mức rất cao so với các nước khác. Điều này khiến cho hoạt động xuất khẩu tôm của Việt Nam vào thị trường Mỹ cũng gia tăng áp lực.
Không chỉ có tôm, bào ngư, cá tra cũng gặp nhiều khó khăn khi vào Mỹ khi nước này đang áp dụng chương trình thanh tra đổi với mặt hàng này kể từ đầu tháng 9/2017. Chương trình này đặt ra những yêu cầu vô cùng nghiêm ngặt, vượt quá những chuẩn mực về kiểm soát an toàn thực phẩm mà thị trường toàn cầu áp dung. Và đây sẽ là rào cản phi thuế quan có tầm ảnh hưởng lớn đến quan hệ thương mại. Cùng với đó, Mỹ còn áp dụng mức thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng cá tra phi lê đông lạnh của Việt Nam từ năm 2002 đến nay với mức thuế quá cao. Điều này đã làm ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam vào Mỹ.
Vượt qua rào cản
Với những khó khăn, thách thức nêu trên, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất chế biến và xuất khẩu của mình chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Doanh nghiệp ngành thủy sản sẽ không thể “tự bơi” vào thị trường Mỹ khi hai “gọng kìm” bảo hộ và thuế chống bán phá giá cùng siết chặt.
Theo bà Heather Brandon, chuyên gia của NOAA, mỗi lô hàng hải sản nhập vào Mỹ phải khai báo đầy đủ thông tin khai thác rất chi tiết như đánh bắt ở vùng biển nào, số hiệu tàu, sản lượng và ngư cụ đánh bắt.
Trước những bất lợi từ phía các thị trường xuất khẩu hải sản tiềm năng, hiện nay nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu hải sản “đứng ngồi không yên”, bởi bản thân doanh nghiệp khó có thể đáp ứng được yêu cầu về việc truy xuất nguồn gốc hải sản nếu không có sự hợp tác giữa khai thác, nuôi trồng và chế biến. Trong khi đó, nghề cá nước ta cho đến nay vẫn là nghề sản xuất nhỏ, tàu thuyền đa số đơn sơ; trình độ hiểu biết và ý thức của ngư dân còn nhiều hạn chế; công tác quản lý còn lạc hậu, chưa được đầu tư đúng tầm, dẫn đến Nhà nước khó kiểm soát hết hoạt động của tàu cá trên biển.
Đại diện NOAA cho rằng, do Việt Nam có nhiều cơ sở sản xuất nhỏ lẻ nên có thể làm việc cụ thể với NOAA. Tuy nhiên, các doanh nghiệp ít nhất phải có bằng chứng, chứng minh được rằng, nơi sản xuất đó đã được cấp phép sản xuất theo quy hoạch.
Đánh giá về khả năng đáp ứng quy định của SIM, các chuyên gia tin tưởng ở các doanh nghiệp Việt Nam, khi đã có khá nhiều kinh nghiệm thực hiện các chương trình truy xuất nguồn gốc và xuất khẩu sang nhiều thị trường khác nhau. Các doanh nghiệp hoàn toàn có thể đáp ứng các quy định mới của Mỹ, vấn đề cần quan tâm là cách doanh nghiệp hệ thống hóa, chuẩn hóa và lưu giữ thông tin cần cung cấp cho nhà nhập khẩu.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), cho rằng, những vấn đề của thủy sản Việt Nam nếu không được giải quyết hiệu quả sẽ là nguy cơ triệt tiêu các nỗ lực tích cực đến từ kết quả thực hiện các Hiệp định thương mại song và đa phương; xây dựng uy tín chất lượng hàng hóa và cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam.