Theo Tổng cục Hải quan, đến giữa tháng 3-2017, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 1,37 tỉ USD, tăng 17,09% so với cùng kỳ năm ngoái. Thủy sản hiện là 1 trong 8 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD tính từ đầu năm đến giữa tháng 3. Theo các doanh nghiệp (DN), đây là tín hiệu đáng mừng nhưng khó khăn phía trước vẫn còn rất nhiều để đạt mục tiêu xuất khẩu 9-10 tỉ USD trong năm nay.
Cá tra, tôm liên tục bị kiện
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết hiệp hội và các DN đã phản đối quyết định của Bộ Thương mại Mỹ (DOC) liên quan đến việc áp thuế chống bán phá giá cá tra xuất khẩu vào Mỹ mang tính áp đặt và vô lý đối với DN Việt Nam, trong đợt xem xét hành chính lần thứ 13. VASEP và các DN đang xem xét tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết để khiếu kiện lên Tòa án Thương mại quốc tế Mỹ trong thời gian sớm nhất.
“Không chỉ Mỹ, các thị trường khác nhập khẩu cá tra của Việt Nam cũng bị ảnh hưởng do tác động về mặt tâm lý. Chẳng hạn, các nhà nhập khẩu Mỹ và các nước chờ đợi quyết định này khiến DN xuất khẩu của Việt Nam mất cơ hội” – ông Hòe nhìn nhận.
Đáng lưu ý, bên cạnh cá tra, nhiều mặt hàng thủy sản xuất khẩu khác của Việt Nam cũng đang bị cạnh tranh gay gắt trong thời gian qua, khi xu hướng bảo hộ thương mại gia tăng ở nhiều thị trường. Trước đó, DOC cũng thông báo kết quả sơ bộ vụ kiện chống bán phá giá tôm của Việt Nam trong đợt xem xét hành chính lần thứ 12 với mức thuế cao nhất trong 13 đợt xem xét hành chính của vụ kiện chống bán phá giá tôm tại Mỹ. Dù kết quả sơ bộ chưa có hiệu lực, chưa được áp dụng nhưng đã tác động không ít đến tâm lý các nhà nhập khẩu Mỹ, ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất khẩu tôm vào thị trường này của DN Việt.
Với thị trường EU, xuất khẩu thủy sản năm 2017 của Việt Nam đạt 1,48 tỉ USD, tăng đến 21,5% so với năm trước, giúp khu vực này vượt qua Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, các DN thủy sản cũng phải đối mặt rào cản kỹ thuật như quyết định rút thẻ vàng của EU đối với ngành đánh bắt thủy hải sản của Việt Nam. Trong thời gian bị thẻ vàng, 100% lô hàng hải sản của Việt Nam xuất qua EU sẽ bị giữ lại để kiểm tra nguồn gốc khai thác khiến DN tốn thời gian, chi phí…
Ngay cả với Trung Quốc, hiện là thị trường xuất khẩu tôm sú lớn nhất và đã vượt EU trở thành thị trường xuất khẩu cá tra lớn của Việt Nam nhưng theo VASEP, có tới 44% kim ngạch xuất khẩu qua đường bộ tiềm ẩn nhiều rủi ro.
“Xuất qua Trung Quốc bằng đường bộ thì khó kiểm soát chất lượng, gây ảnh hưởng chung đến cả ngành. Những vụ việc buôn lậu cá tra, tôm từ Việt Nam sang Trung Quốc được phát hiện gần đây cho thấy sự phức tạp của tình trạng này” – ông Hòe dẫn chứng.
Doanh nghiệp phải nỗ lực vượt khó
Ảnh hưởng từ thuế chống bán phá giá của Mỹ thời gian qua đã khiến xuất khẩu tôm và cá tra vào thị trường này giảm rất mạnh. Xuất khẩu tôm vào Mỹ trong năm 2017 giảm 7%, còn 659 triệu USD.
Theo báo cáo xuất nhập khẩu 2017 của Bộ Công Thương, xuất khẩu cá tra vào Mỹ năm ngoái chỉ đạt 344,4 triệu USD, giảm 11%, do thuế chống bán phá giá của các đợt xem xét hành chính đều ở mức cao khiến số lượng DN xuất khẩu giảm mạnh. Chưa hết, việc đối mặt chương trình thanh tra cá da trơn (từ tháng 8-2017) của Mỹ đã làm kim ngạch xuất khẩu sụt giảm trên 30% trong 3 tháng cuối năm.
VASEP cho biết nhiều DN xuất khẩu cá tra vẫn coi Mỹ, EU là 2 thị trường xuất khẩu truyền thống lớn, chiến lược trong tương lai. Tuy nhiên, rào cản thương mại, kỹ thuật đang được dựng lên tại những thị trường này khiến DN Việt lo lắng.
Dưới góc độ DN, ông Ngô Quang Trường, Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Biển Đông (1 trong 2 DN Việt Nam xuất khẩu cá tra phi lê vào Mỹ), nhận định do bị cạnh tranh gay gắt nên DN phải nỗ lực tối đa mới xóa được “mảng tối”. Chẳng hạn, việc áp thuế chống bán phá giá của Mỹ là xem xét theo từng đợt (hằng năm); nếu ở đợt xem xét hành chính kế tiếp, DN bị đơn chứng minh được cá tra Việt Nam không bán phá giá vào Mỹ thì mới hy vọng còn cơ hội.