1. Tình hình thị trường nguyên liệu sản xuất thép:
-Quặng sắt loại 62þ: Giá quặng sắt ngày 6/3/2018 ở mức 75-76 USD/Tấn CFR cảng Thiên Tân, Trung Quốc, không đổi so với từ đầu năm 2018. Giá quặng sắt đạt mức cao trong 2 năm trở lại đây, gần 85 USD/tấn là vào thời điểm tháng 1/2017.
-Than mỡ luyện coke: Giá than mỡ luyện cốc, xuất khẩu tại cảng Úc (giá FOB) ngày 6/3/2018:– Hard coking coal: khoảng 200 USD/tấn, tăng khoảng 10-15 USD/Tấn so với đầu tháng 2/2018, và so với cùng kỳ năm 2017, giá than mỡ đã tăng khoảng 50 – 60 USD/tấn.
-Thép phế liệu: Giá liệu HMS ½ 80:20 nhập khẩu cảng Đông Á ở mức 370-380 USD/tấn CFR Đông Á ngày 6/3/2018. Mức giá này tăng cao trở lại so với hồi đầu tháng 1/2018 và tăng khoảng 20-25 USD/T so với tháng trước. So với cùng kỳ năm trước, giá thép phế đã tăng khoảng 100 USD/tấn.
-Điện cực graphite: Giá than điện cực vẫn ở mức cao do nguồn cung chưa được cải thiện nhiều, khoảng 20.000-25.000 USD/tấn (trong tháng 2/2018).
-Phôi thép: Giá phôi thép ngày 6/3/2018 ở mức 563-565 USD, tăng khoảng 20 USD so với đầu tháng 2/2018. So với hồi đầu năm 2018, giá phôi thép đã tăng gần 30 USD/tấn.
2. Tình hình sản xuất – bán hàng các sản phẩm thép:
Trong tháng 2.2018, sản xuất sản phẩm thép các loại đạt 1.529.717 tấn, giảm 20% so với tháng trước, và tăng không đáng kể 0,7% so với cùng kỳ 2017. Bán hàng thép các loại trong nước đạt 1.350.986 tấn, giảm lần lượt 18% so với tháng 1/2018, và 5,3% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu thép các thành viên VSA đạt hơn 364.363 tấn, tăng hơn 36% so với cùng kỳ năm 2017.
Trong 2 tháng năm 2018, sản xuất sản phẩm thép các loại đạt 3.690.915 tấn, tăng 27% so với cùng kỳ 2017; bán hàng thép các loại trong nước đạt 3.014.552 tấn, tăng 30,7% so với cùng kỳ năm trước; xuất khẩu thép các thành viên VSA đạt hơn 728.480 tấn, tăng 38,6% so với cùng kỳ 2017.
Tình hình ngành thép Việt Nam. Ảnh: VSA |
3. Tình hình xuất nhập khẩu các sản phẩm thép
Tính đến hết tháng 31.1.2018, nhập khẩu thép các loại đạt gần 1,2 triệu tấn, với tổng kim ngạch nhập khẩu đạt hơn 808 triệu USD, giảm 5% về lượng, nhưng tăng 22% về giá trị.Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu chính, với lượng nhập khẩu gần 404 ngàn tấn thép, giảm 40% về lượng nhưng chỉ giảm 11% về trị giá; Tỷ trọng thép nhập khẩu từ quốc gia này chỉ còn chiếm gần 34% tổng lượng thép thành phẩm nhập khẩu, giảm khá nhiều về tỷ trọng nhập khẩu thép của Việt Nam từ quốc gia này so với các năm trước (thường khoảng gần 50% trong tổng lượng thép nhập khẩu).Tiếp đến là Nhật Bản (17%), Hàn Quốc (15,68%), Đài Loan (13,33%), Ấn Độ (7,65%).
Về xuất khẩu, tính đến hết tháng 1/2018, xuất khẩu thép thành phẩm đạt hơn 446.000 tấn, với kim ngạch xuất khẩu đạt 321 triệu USD, tăng 38% về lượng, và tăng 63% về giá trị. ASEAN vẫn là thị trường xuất khẩu chính, với lượng xuất khẩu hơn 300.000 tấn thép, chiếm tới hơn 67% tổng lượng thép thành phẩm xuất khẩu. Tiếp đến là các thị trường Mỹ (11,28%), EU (5,07%), Đài Loan (3,42%), Hàn Quốc (3,15%).