Hồi tháng 5/2018, lô hàng XK sang Mỹ của một DN cà phê Việt đã bị chặn lại tại hải quan Mỹ vì vướng quy định trong Luật FSMA của nước này.
Quy định mới khắt khe
Đến giữa tháng 6 này, một DN khác của Việt Nam bán hàng tại hệ thống Wallmart (Mỹ) cũng bị đối tác yêu cầu cung cấp các chứng nhận theo quy định FSMA. Đây là những trường hợp mới nhất vướng FSMA.
Ông Nguyễn Huy, Giám đốc Thực phẩm Bureau Veritas Việt Nam, cảnh báo nếu không tìm hiểu kỹ và chuẩn bị tốt thì sẽ còn nhiều DN bị lâm vào tình cảnh trên. Và số lượng DN Việt liên quan đến mảng thực phẩm XK vào thị trường Mỹ sẽ ngày càng ít đi.
Mỹ hiện là thị trường lớn của Việt Nam, nhưng thời gian qua, thông tin nước này từ chối nhập khẩu hàng hóa Việt ngày càng nhiều do thực phẩm không đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, do vi phạm quy định nhãn mác và các quy định nhập khẩu mới. Đây là cảnh báo mà các DN XK thực phẩm cần lưu tâm.
Đáng lo là khi Luật FSMA khiến nhiều DN Việt lao đao và có thể lâu dần họ sẽ rút khỏi thị trường Mỹ để chuyển sang các thị trường dễ tính hơn. Cần nhắc lại, nếu như tháng 12/2016 có 1.845 nhà máy thực phẩm ở Việt Nam đăng ký với Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) để XK vào Mỹ, nhưng tính đến đầu năm nay, con số này đã rớt xuống còn 806 DN. Như vậy, hơn 1.000 công ty Việt Nam đã rớt khỏi danh sách xuất hàng vào Mỹ do không nắm bắt được các quy định mới.
Theo giới chuyên gia, thường thì các quy định của FSMA được FDA kiểm tra qua hồ sơ của nhà nhập khẩu. Trong trường hợp khẩn cấp, FDA đến tận nơi triển khai. Trong vòng 24 giờ, DN nhập khẩu phải cung cấp hồ sơ cho họ. Nếu không cung cấp được các chứng nhận đảm bảo thì hàng hóa của DN sẽ bị trả về hoặc bị thu hồi tiêu hủy.
Ông Lê Đình Nghĩa, Trưởng đại diện SMUCKER International Việt Nam, cho rằng vào thị trường Mỹ, DN Việt phải đảm bảo các tiêu chuẩn của họ. Nếu không đảm các tiêu chuẩn của FSMA thì lô hàng đầu tiên xuất sang Mỹ trót lọt nhưng DN có thể “dính” ở những lô hàng sau.
“Khi đó, phía Mỹ sẽ truy ra những lô hàng đã nhập trước đó và thiệt hại cho DN sẽ lớn hơn nhiều, thậm chí có nguy cơ bị cấm XK sang Mỹ”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Được biết Luật FSMA của Mỹ được áp dụng từ năm 2016, đưa ra nhiều yêu cầu khá khắt khe. DN XK phải đảm bảo nhiều tiêu chuẩn như phân tích mối nguy, danh sách nhà phân phối, danh sách nhà cung cấp được phê duyệt, hoạt động thẩm tra nhà cung ứng nguyên liệu để đảm bảo các yêu cầu mà DN đưa ra…
Kiểm soát mối nguy
FSMA thậm chí còn đưa ra yêu cầu các nhà XK thực phẩm phải có cá nhân được phê duyệt về kiểm soát phòng ngừa trong thực phẩm để thiết lập và áp dụng, giám sát kế hoạch an toàn thực phẩm theo thời gian quy định. FSMA cũng quy định các vấn đề về gian lận thực phẩm, về dị ứng thực phẩm…
Giới chuyên gia lưu ý gian lận thực phẩm trong chuỗi cung ứng là một trong những vấn đề cực kỳ nóng hổi và được các thị trường, nhất là Mỹ và châu Âu quan tâm. Họ quan tâm đến nỗi có thể dùng mọi biện pháp để kiểm tra, chứng minh thực phẩm đó là minh bạch và đáp ứng được yêu cầu về an toàn thực phẩm.
Gian lận thực phẩm được cho là ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế và sức khỏe người tiêu dùng. Nó còn đưa đến sự cạnh tranh không lành mạnh, bởi nếu một DN làm sản phẩm trung thực, minh bạch, với 100% nguyên liệu thật, còn DN khác làm với 50% nguyên liệu thật, còn lại là cái khác trộn vào…, như thế DN kia sẽ có lợi về giá thành và làm cho yếu tố cạnh tranh không công bằng…
Để ngăn ngừa điều này, ông Nguyễn Văn Anh, một chuyên gia đào tạo và đánh giá nhà cung cấp trong ngành thực phẩm, cho rằng DN Việt khi làm ra sản phẩm nên lấy mẫu kiểm tra, phân tích ở các phòng thí nghiệm về các chỉ tiêu.
Theo ông Anh, với những DN thực phẩm Việt Nam XK sang các thị trường khó tính, trong quá trình sản xuất kinh doanh của mình, điều đầu tiên cần đào tạo, huấn luyện cho những công nhân, nhân viên trong công ty biết được, chẳng hạn như về chất gây dị ứng. Nhất là hiện nay, thị trường nhập khẩu Mỹ và châu Âu có quy định bắt buộc thành luật về chất gây dị ứng.
Ở Việt Nam, dù không nói chính xác, đích danh về các chất gây dị ứng, nhưng tại Thông tư liên tịch 34 có quy định về thông tin bao bì nhãn mác và hướng dẫn bao gói, quy định này gần giống với danh mục 14 chất gây dị ứng của châu Âu quy định.
Vậy, DN Việt muốn XK vào các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu cần có những chương trình kiểm soát, phòng ngừa về vệ sinh, quy trình sản xuất trong quá trình sản xuất; hoặc phòng ngừa về việc ngăn ngừa nhiễm chéo…
Đồng thời, DN phải kê khai thông tin đầy đủ trên bao bì thành phẩm của mình, cũng như lấy mẫu thẩm tra lại trên dây chuyền sản xuất và trên sản phẩm.