Xuất khẩu sản phẩm nông lâm thủy sản nửa đầu năm 2018 đạt mức ấn tượng với 19,4 tỷ USD, tăng 12% so năm ngoái, một phần nhờ lực đẩy từ giá. Tuy nhiên thuận lợi này sẽ khó duy trì trong 6 tháng cuối năm. Đặc biệt, các nguy cơ khác có thể ập đến từ thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt rủi ro từ thị trường do các cuộc chiến thương mại cũng như hàng rào bảo hộ dâng lên… đang đe doạ mục tiêu xuất khẩu nông lâm thuỷ sản 40 tỷ USD trong cả năm 2018.
Nhiều ngành hàng “được mùa được giá”
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, 6 tháng đầu năm kim ngạch xuẩt khẩu thủy sản đạt 3,94 tỷ USD, tăng 10,5%. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng một phần nhờ giá xuất khẩu tăng. Đơn cử như giá xuất khẩu tôm các loại 5 tháng đầu năm 2018 tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước, trung bình ở mức 9,6 USD/kg. Cũng trong cùng khoảng thời gian đó, giá xuất khẩu cá tra, cá basa; cá ngừ các loại; bạch tuộc các loại… tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài thuỷ sản, một “ông lớn” khác trong ngành là đồ gỗ và sản phẩm gỗ cũng có tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 4,1 tỷ USD, tăng 12,1%. Theo dự báo, cả hai lĩnh vực chủ lực này sẽ cùng cán đích 9 tỷ USD, đạt mục tiêu xuất khẩu trong năm nay.
Về rau quả, trong 6 tháng đầu năm nay, ngành hàng này tăng trưởng kim ngạch cao nhất trong các nhóm hàng nông lâm thuỷ sản, tăng trên 20% so với cùng kỳ năm ngoái và thu về 2 tỷ USD. Trong đó, thị trường lớn nhất là Trung Quốc chiếm 1,2 tỷ USD (gần 75% thị phần), tiếp theo là Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan. Với quả vải (chủ yếu ở Bắc Giang và Hải Dương), dự kiến đến hết vụ, Việt Nam sẽ xuất trên 100.000 tấn đi các thị trường.
Ngoài ra theo Cục Bảo vệ Thực vật, Bộ NN&PTNT, đến nay cả nước đã xuất trên 1 triệu tấn thanh long, 270.000 tấn xoài, 225.000 tấn dưa hấu, trên 140.000 tấn chuối, trên 92.000 tấn nhãn… Khu vực ASEAN, EU hầu hết đã mở cửa với các loại trái cây tươi. Còn một số thị trường khó tính khác như Mỹ, Nhật… vẫn tiếp tục tháo gỡ.
Đánh giá tổng quan, Bộ NN&PTNT cho biết, các mặt hàng nông sản chủ lực như gạo, rau quả, thủy sản… vẫn tiếp tục giữ phong độ cao khi tăng trưởng ấn tượng trong nửa đầu năm nay. Trong khi đó mặt hàng gỗ, chè… cũng khởi sắc, hướng đến chất lượng cao hơn và nâng cao vị thế trên thị trường thế giới. Hiện xuất khẩu nông sản Việt Nam đứng thứ 2 trong khu vực ASEAN, thứ 18 thế giới.
Một số mặt hàng nông sản tuy lượng xuất khẩu tăng nhưng do giá xuất khẩu bình quân giảm nên kim ngạch giảm so với cùng kỳ năm trước, như cà phê đạt 2 tỷ USD, giảm 6% (lượng tăng 9,6%); cao su đạt 819 triệu USD, giảm 8,2% (lượng tăng 16,6%); hạt tiêu đạt 457 triệu USD, giảm 35,7% (lượng tăng 5,9%).
Khó khăn dồn vào cuối năm
Dù tình hình xuất khẩu 6 tháng đầu năm diễn biến khả quan, song Bộ Công thương dự báo, trong 6 tháng cuối năm 2018 xuất khẩu các sản phẩm nông lâm thuỷ sản sẽ đối diện với nhiều khó khăn hơn, và để đảm bảo mục tiêu kim ngạch 40 tỷ USD, đòi hỏi các ngành hàng phải rất nỗ lực.
Theo đó, xuất khẩu thủy sản được dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại do giá các mặt hàng thủy sản gần đây giảm so với đầu năm. Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn bổ sung thêm một yếu tố khó khăn khác là những yêu cầu về tiêu chuẩn hàng hóa ngày càng cao, và chủ nghĩa bảo hộ thương mại cũng có xu tăng lên. “Khi các nước lớn cạnh tranh khốc liệt với nhau, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Rõ nhất là ngành thịt, khi giữa Mỹ, Trung Quốc, EU có nhiều bất ổn về thương mại.
Một số mặt hàng như rau quả, gỗ, chè, điều, sắn tiếp tục dấu hiệu tốt. Tuy nhiên, những mặt hàng được dự báo là tín hiệu xấu như gạo, cà phê có thể dư cung; cao su, tiêu còn tồn kho nhiều…
Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, năm nay nông nghiệp Việt Nam có thể đạt kim ngạch xuất khẩu 40 tỷ USD, nhưng nguy cơ thị trường rất lớn, đặc biệt là từ các cuộc chiến tranh thương mại, hàng rào bảo hộ. “Trong khi đó, để bán được quả xoài, quả vải ra thế giới, chúng ta phải nói rã cả họng, bao nhiêu cấp, ngành vào cuộc mới bán được”, ông Cường cho hay.
Thời gian vừa qua hàng hoá nông sản của Việt Nam phải đối mặt với nhiều rào cản thương mại như Chương trình thanh tra cá da trơn và áp thuế chống bán phá giá đối với cá da trơn, tôm vào thị trường Hoa Kỳ; lệnh tạm dừng nhập khẩu đổi với mặt hàng thuỷ sản, động vật giáp xác và các sản phẩm thuỷ sản xuất khẩu từ Việt Nam vào Ả rập Saudi; quy định của Úc về việc chỉ những lô hàng tôm và sản phẩm tôm đáp ứng quy định về an toàn sinh học mới được nhập khẩu; quy định mới về việc kiểm dịch 100% các lô hàng thuỷ sản xuất khẩu vào Hàn Quốc áp dụng từ tháng 4/2018…
Trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục đàm phán với các nước để đưa nhiều sản phẩm trái cây thâm nhập vào các thị trường, trong đó tập trung vào các mặt hàng như xuất khẩu xoài sang Mỹ; nhãn sang Úc, măng cụt, bưởi, na, dừa, chanh leo, roi, sầu riêng vào Trung Quốc; chôm chôm, chanh leo, nhãn, vú sữa vào Hàn Quốc…
Đối với sản phẩm thuỷ sản, một số mặt hàng và thị trường tiềm năng trong thời gian tới là cá hồi, nghêu, cá đồng, cá rô phi xuất khẩu vào Trung Quốc; tôm tươi nguyên con vào thị trường Úc…