Vì vậy, tại hội thảo tham vấn về báo cáo kết quả “Dự án nghiên cứu và xúc tiến kết nối thương mại trong lĩnh vực nông sản, thủy sản và sản phẩm gia cầm” ngày 16/12, những điểm yếu trên lại một lần nữa được nhóm nghiên cứu đề cập.
Tại một số tỉnh hiện nay, các DN có vốn đầu tư nước ngoài đang chế biến sản phẩm nông thủy sản của Việt Nam, nhưng sau đó lại đem về nước họ đóng gói nhãn mác và xây dựng thương hiệu của riêng DN FDI.
Yếu từ sản xuất tới tiêu thụ
Đối với chè, hiện Việt Nam có 12 quốc gia chủ yếu nhập khẩu chè của Việt Nam: Đài Loan, Pakistan, Nga, Trung Quốc, Indonexia, Hoa Kỳ, Đức, Ba Lan, Arập Xêut, Tiểu vương quốc Ả rập, Ấn độ, Philippines. Giá xuất khẩu chè bình quân năm 2013 là 1.624,21 USD/tấn (chè đen).
Tuy nhiên, dự án nghiên cứu chỉ ra do vùng sản xuất lớn nhưng quy mô bình quân mỗi hộ nhỏ, sản xuất chè hầu hết có ở những vùng hạ tầng sản xuất khó khăn, khó cho việc áp dụng cơ giới hóa, công nghiệp triệt để; cũng như chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đối với chè chưa được quản lý chặt chẽ… đã khiến chè của Việt Nam (chè đen) không có thương hiệu và nguồn gốc xuất xứ.
Thêm vào đó, theo ông Trần Tú Anh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Phú Thọ, trong khi ngành công nghiệp chế biến chè còn rất nhiều hạn chế, chủ yếu mới chỉ xuất khẩu dưới dạng chè đen.
Các DN chè chưa có khả năng phát triển thị trường, đa phần sử dụng thị trường truyền thống, sản phẩm chè Việt Nam lại đang phải cạnh tranh gay gắt với chè từ nhiều quốc gia có thế mạnh, như Sri lanka, Ấn Độ, Trung Quốc…
Bên cạnh đó, đối với khoai tây, theo số liệu của chương trình khoai tây Việt Đức (Cục Trồng trọt), khoai tây chế biến đang được một số công ty lớn thực hiện như công ty LeeWayWay, công ty Vinafood, Pepsico, OrionVina… và nhiều cơ sở nhỏ.
Tuy nhiên, nguyên liệu trong nước chỉ đáp ứng 40%, còn lại phải nhập khẩu từ các nước châu Âu. Đồng thời, khoảng 95% số người trồng khoai tây phải mua giống, chỉ có khoảng 5% hộ nông dân tự để giống.
Chè của Việt Nam vẫn chưa có thương hiệu và nguồn gốc xuất xứ
Nhu cầu về giống khoai tây hàng năm cho các tỉnh phía Bắc cũng vào khoảng gần 35.000 – 40.000 tấn. Trong khi nguồn giống có chất lượng trong nước chỉ đáp ứng 30 – 35%, còn lại là giống nhập ngoại từ nhiều nguồn.
Còn với cá tra, ông Nguyễn Minh Thạnh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cần Thơ, cho biết hiện nay cả nước có khoảng 96 cơ sở sản xuất thức ăn cá tra, tập trung ở các tỉnh thành có diện tích nuôi lớn là An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp… nhưng chi phí thức ăn cá tra chiếm đến gần 85% chi phí của vụ nuôi.
Đồng thời, các DN nước ngoài chiếm lĩnh phần lớn thị trường thức ăn cá tra ở Việt Nam, với tỷ trọng trên 50%. Nhiều nhà máy chỉ sản xuất ở mức 60 – 70% công suất. Bởi, riêng đối với ĐBSCL có 94 nhà máy chế biến cá tra, tổng công suất thiết kế gần 1 triệu tấn/năm, nhưng thực tế sản xuất chỉ đạt từ 50 – 60% công suất thiết kế… Các sản phẩm chế biến từ cá tra nhìn chung còn khá đơn điệu.
Đặc biệt, ông Thạnh còn nhận định, tốc độ tăng trưởng bình quân về kim ngạch xuất khẩu cá tra là 3,9%/năm, nhưng xúc tiến thương mại đang có sự tham gia chồng chéo giữa các đơn vị.
Các hoạt động hội chợ, triển lãm, hội thảo… vẫn thuờng xuyên được tổ chức nhưng cũng chỉ mang tính bề nổi mà chưa đi vào thực chất, nội dung nghèo nàn, gây lãng phí.
Cùng với đó, ông Vũ Chí Cương, Phó Vụ trưởng Vụ Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), cho rằng mặc dù con giống giữ vai trò quyết định trong chăn nuôi, nhưng tại Việt Nam vẫn đang sử dụng các giống gia cầm nhập từ nước ngoài.
Về số lượng giống đảm bảo cho sản xuất nhưng về quản lý chất lượng thì vẫn còn những hạn chế nhất định. Trong khi đó, nguồn nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi lại phụ thuộc lớn vào nước ngoài, sản lượng nhập khẩu nguyên liệu năm sau luôn tăng cao hơn năm trước, khiến giá thành sản xuất bị đẩy lên cao, đây cũng là nguyên nhân đẩy giá thành các sản phẩm chăn nuôi lên cao.
Xuất khẩu, đừng quên nội địa
Bên cạnh những khó khăn vốn đã cố hữu trên, theo các chuyên gia, nông nghiệp Việt Nam còn đang phải đối mặt với bài toán về sự chênh lệch lớn giữa lợi nhuận người sản xuất và khâu trung gian, như trong khi lợi nhuận trên mỗi kg cá tra nguyên liệu của hộ nuôi nhỏ lẻ là 690 đồng, của DN chế biến xuất khẩu là 2.120 đồng. Như vậy, dễ dàng thấy lợi nhuận chủ yếu tập trung vào DN chế biến xuất khẩu (75,5%).
Bên cạnh đó, ông Phạm Mạnh Cường, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Tuyên Quang, cũng thừa nhận chè là một trong những cây trồng và lợi nhuận cao, trung bình XK mỗi năm từ 100.000 – 180.000 tấn, đem lại giá trị trên dưới 200 triệu USD. Tuy nhiên, XK chè đen vẫn ở dạng nguyên liệu giá trị thấp từ 1,5 – 1,7 USD/kg, trong khi nếu làm chè đặc sản và chè xanh ở trong nước sẽ có giá đến khoảng 30 – 40 USD/kg.
Ông Cường cũng đặt câu hỏi tại sao thay vì việc tập trung chủ đạo đối với thị trường XK, các DN chế biến ở Việt Nam không quay về thị trường nội địa – thị trường tiềm năng lớn. Cũng như việc xây dựng chuỗi liên kết trong quản lý chất lượng từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ đến đầu tư trang thiết bị.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Phú Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm đào tạo nghiên cứu và tư vấn kinh tế, Đại học Cần Thơ, cũng cho rằng sở dĩ các DN không chú tâm khai thác thị trường nội địa do phần đa vẫn đang vì lợi ích trước mắt (tỷ suất lợi nhuận thu được từ thị trường trong nước thấp hơn XK) nên thường chọn phương án XK theo kiểu ăn xổi. Do vậy, Nhà nước cần giúp đỡ DN bằng các chính sách thích hợp để tăng tỷ suất lợi nhuận, từ đó mới giúp nông dân thu lợi cao.
Song song với đó, các chuyên gia cũng cho rằng khi hội nhập sâu rộng thị trường quốc tế, việc liên kết với DN FDI là bước đi cần phải làm nhưng cần phải tính đến làm sao để chúng ta vừa tăng cường công tác quản lý và giám sát đảm bảo quy định của Việt Nam và quốc tế, vừa phải đảm bảo người dân Việt Nam tham gia sâu rộng vào tất cả công đoạn từ sản xuất cho tới tiêu thụ sản phẩm, từ đó nâng chất được ngành nông nghiệp.
————————–
Ông Lê Quốc Doanh
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT
Bên cạnh việc nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, ngành nông nghiệp vẫn còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết, đó là khai thác và sử dụng tài nguyên, nguồn nước, hóa chất và phân bón chưa hiệu quả, trong khi lại đang sử dụng nhiều lao động. Việc này dẫn tới giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp thấp và thu nhập của nông dân chưa cao. Vì vậy, trong bối cảnh sắp tới nhiều hiệp định thương mại được ký kết, chúng ta cần tăng cường xúc tiến thương mại thì mới mong đem lại giá trị cao cho ngành nông nghiệp, mà cụ thể là năm nay với mong muốn giá trị XK ngành nông nghiệp sẽ có thể cán mốc 30 tỷ USD.
———-
Ông Bo Monsted
Tham tán Thương mại Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam
Nhận thấy lợi thế của Việt Nam với trên 70% dân số sống ở nông thôn; sản xuất được nông sản thực phẩm khối lượng lớn và rất cần thị trường tiêu thụ nông sản, thực phẩm. Vì vậy, Đan Mạch đang chuyển từ vai trò nhà tài trợ thực hiện Dự án “Nghiên cứu và xúc tiến kết nối thương mại trong lĩnh vực nông sản, thủy sản và sản phẩm gia cầm” sang đối tác thương mại với Việt Nam.
———–
Ông Phạm Mạnh Cường
Phó Giám đốc Sở NN&PTNN Tuyên Quang
Tôi tin là những vấn đề tồn tại của ngành nông nghiệp có thể giải quyết được. Tuy nhiên, cần có lộ trình, trước hết là việc thành lập tổ hợp tác, HTX để người dân có thể liên kết với nhau, áp dụng giống mới cũng như các biện pháp cơ giới hóa, bảo vệ lợi ích của người sản xuất trước thương lái và cơ sở chế biến. Đồng thời, đổi mới công nghệ chế biến, để làm sao chúng ta không chỉ bán nguyên liệu thô và thành phẩm mà còn sản xuất ra được sản phẩm có giá trị cao, đáp ứng được tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng trong nước và thị trường quốc tế.