Hiện nay, ngành dệt may Việt Nam đang có những bước phát triển vượt bậc và vươn lên là 1 trong 5 nước sản xuất, xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới. Bộ Công Thương dự báo: Thời gian tới, ngành dệt may có nhiều cơ hội và triển vọng phát triển, mở rộng thị trường. Đó là hiệu ứng của các Hiệp định thương mại tự do mang lại như Hiệp định Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) (thông qua tháng 3/2018) với lộ trình miễn thuế xuống 0% và nhiều điều khoản ưu đãi theo quy tắc ”từ sợi trở đi”.
Ngoài ra, triển vọng về việc ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) trong năm 2018 sẽ giúp ngành dệt may Việt Nam tiếp cận sâu rộng hơn với thị trường này. Bên cạnh đó, khả năng Hoa Kỳ sẽ tăng mức thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng dệt may từ Trung Quốc, tạo cơ hội tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam từng bước mở rộng và gia tăng thị phần xuất khẩu sang Hoa Kỳ…
Dù có nhiều điều kiện thuận lợi, song theo Bộ Công Thương, ngành dệt may cũng phải đối mặt với một số khó khăn. Điển hình là chi phí đầu vào tiếp tục có xu hướng tăng như lương tối thiểu, bảo hiểm xã hội, chi phí điện, nước. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ ở nhiều ngành nghề tác động đến các doanh nghiệp thuộc ngành dệt may. Ngoài ra, tình hình nguyên phụ liệu biến động như giá bông có xu hướng tăng nhẹ do nhu cầu bông tăng cao tại Pakistan, Bangladesh và Việt Nam cũng gây thêm khó khăn cho toàn ngành.
Theo báo cáo mới nhất từ Bộ Công Thương: Nửa đầu năm, ngành dệt may có bước tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm trước. Mức tăng trưởng của một số sản phẩm như: Vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 9,7%; sản xuất vải dệt từ sợi tổng hợp và sợi nhân tạo tăng 22,1%; quần áo mặc thường tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc ước đạt trên 13,4 tỷ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2017. Đặc biệt, xuất khẩu tăng đều ở các thị trường như Ấn Độ, Ba Lan, Anh, Áo; Bỉ…