Ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores) cho biết, ngành gỗ hiện nay đang đứng trước cơ hội lớn để đạt được mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD vào năm 2020. Đặc biệt, những Hiệp định thương mại Việt Nam đã và đang tham gia, nhất là việc tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho ngành gỗ phát triển.
Có thể thấy, với nhiều tiềm năng, ngành gỗ đang đứng trước nhiều cơ hội mở rộng thị trường. Gỗ và sản phẩm gỗ từ Việt Nam hiện đang được xuất khẩu sang nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó thị trường lớn nhất là Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và EU.
Với việc tham gia CPTPP, ngành gỗ sẽ thâm nhập thêm một số thị trường tiềm năng khác như Canada, Mexico… Các DN trong ngành gỗ đang nỗ lực đẩy mạnh xuất khẩu các nhóm sản phẩm có giá trị cao thay vì xuất khẩu thô như trước đây. Việt Nam là nước xuất khẩu gỗ hàng đầu tại ASEAN và đứng thứ 5 trên thế giới về doanh thu xuất khẩu từ các sản phẩm lâm nghiệp.
Những năm gần đây, những chính sách phù hợp của các cơ quan quản lý như tạo vùng nguyên liệu, liên kết chuỗi, đẩy mạnh công nghiệp chế biến… đã giúp cho ngành gỗ Việt Nam phát triển ổn định, bền vững. Qua đó kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ cũng tăng trưởng mạnh. Ông Nguyễn Tôn Quyền nhấn mạnh, ngành gỗ đang cố gắng khai thác thật tốt các thị trường xuất khẩu lớn, đồng thời tích cực thâm nhập và khai thác nhiều thị trường mới để nâng cao sản lượng xuất khẩu.
Theo Tổng cục Hải quan, tháng 5/2018 kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 728,1 triệu USD, tăng 5% so với tháng trước đó và tăng 17,3% so với tháng 5/2017. Trong 5 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang hầu hết các thị trường lớn đều tăng so với cùng kỳ năm trước, trừ xuất khẩu sang Anh và Đức giảm.
Tháng 5/2018, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Hoa Kỳ đạt 311 triệu USD, tăng 18,1% so với tháng 5/2017. Tính chung 5 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Hoa Kỳ đạt 1,36 tỷ USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2017. Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Hàn Quốc tăng trưởng khả quan với tốc độ tăng trưởng 66,7% trong tháng 5/2018 và tăng 49,6% trong 5 tháng đầu năm.
Tuy nhiên, hiện nhiều thị trường quan trọng của ngành gỗ đã có những chính sách khắt khe nhằm thắt chặt kiểm soát nhập khẩu các mặt hàng gỗ như việc Hàn Quốc ban hành Đạo luật sử dụng gỗ bền vững (Act on the Sustainable Use of Wood) chính thức có hiệu lực vào tháng 3/2018; Nhật Bản đã ban hành Đạo luật Gỗ sạch (Clean Wood Act), có hiệu lực từ tháng 5/2017. Trước tình hình đó, hiện các cơ quan chức trách đã có các văn bản hướng dẫn liên quan và ngành gỗ cũng phải có những thay đổi để phù hợp hơn trong việc xuất khẩu.
Đặc biệt, mặc dù khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực, hầu hết các sản phẩm thủ công mỹ nghệ và nội thất xuất khẩu từ Việt Nam sang EU sẽ được hưởng mức thuế 0%. Tuy nhiên, Việt Nam phải chứng minh có nguồn gỗ nội địa hoặc nhập khẩu hợp pháp.
Ông Nguyễn Tôn Quyền khẳng định, hiện tại các DN gỗ Việt Nam đang có ý thức rất tốt về nguồn nguyên liệu bền vững, sử dụng nguồn nguyên liệu rừng trồng và gỗ nhập khẩu có nguồn gốc với việc đẩy mạnh trồng và khai thác rừng, từng bước thay thế gỗ nhập khẩu.
Như vậy, để giải quyết được bài toán nguyên liệu, ngành gỗ cần đẩy mạnh trồng rừng, tạo ra nguồn nguyên liệu trong nước đảm bảo chất lượng. Đồng thời, ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ vào sản xuất, nhằm nâng cao năng suất, giá trị rừng trồng, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu ngày càng tăng cho ngành chế biến gỗ phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.