Ngành chế biến XK gỗ Việt Nam vẫn đang trong đà tăng trưởng theo hướng cả lượng và chất, tuy nhiên, Ts. Tô Xuân Phúc, chuyên gia về lâm nghiệp và thương mại gỗ, dự báo ngành có thể sẽ phải đối mặt với một số khó khăn do các thay đổi tại các thị trường XK, đặc biệt là 4 thị trường quan trọng nhất của Việt Nam trong tương lai (Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc).
Thị trường chính ngày càng “rắn”
Năm 2017, kim ngạch XK lâm sản đạt 8 tỷ USD, trong đó gỗ và sản phẩm gỗ đạt gần 7,7 tỷ USD (tăng 12,6% so với năm 2016). Với mức kim ngạch này, ngành gỗ đã có vị trí số 6 trong bảng xếp hạng các ngành đem lại giá trị XK lớn nhất của cả nước.
Báo cáo “Việt Nam xuất nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ” cho biết với thị trường Mỹ, chính sách thương mại của Tổng thống Donald Trump hiện đi theo hướng giảm thâm hụt thương mại, bảo hộ mậu dịch, khuyến khích sản xuất trong nước. Chính sách này đã có tác động trực tiếp đến Trung Quốc – quốc gia có mức thặng dư thương mại lớn nhất từ Mỹ.
Thời gian gần đây đã cho thấy sự tăng trưởng trong đầu tư vào ngành gỗ Việt Nam của các DN Trung Quốc.
Theo các chuyên gia, mức thặng dư trong thương mại giữa Mỹ và Việt Nam khoảng 32 tỷ USD mỗi năm, cộng với luồng đầu tư từ Trung Quốc vào ngành chế biến gỗ của Việt Nam có thể sẽ tạo ra những mối quan tâm đặc biệt từ các cơ quan quản lý Mỹ.
Điều này đòi hỏi ngành gỗ và các cơ quan quản lý của Việt Nam cần có những bước chuẩn bị thích hợp, nhằm giảm thiểu những thay đổi trong XK vào thị trường Mỹ.
Với thị trường Trung Quốc, đây là thị trường rất mở đối với các mặt hàng gỗ của Việt Nam. Thặng dư thương mại các mặt hàng gỗ của Việt Nam từ thị trường này khoảng trên 600 triệu USD mỗi năm.
Tuy nhiên, các mặt hàng XK của Việt Nam vào thị trường này chủ yếu là các sản phẩm thô, như dăm gỗ, các loại gỗ tròn/đẽo vuông thô và gỗ xẻ. Đồng thời, Trung Quốc đang cân nhắc áp dụng chính sách từng bước (step-wise) trong việc kiểm soát tính hợp pháp của nguồn gỗ sử dụng tại quốc gia này.
Trong khi đó, tại Nhật Bản, Chính phủ nước này đã ban hành Đạo luật Gỗ sạch (Clean Wood Act), có hiệu lực vào tháng 5/2017, hiện đang ban hành các văn bản hướng dẫn việc áp dụng Đạo luật này.
Tại Hàn Quốc, Chính phủ đã ban hành Đạo luật Sử dụng gỗ bền vững (Act on the Sustainable Use of Wood) chính thức có hiệu lực vào tháng 3/2018.
Ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Tp.HCM (HAWA), nhấn mạnh “thực thi các Đạo luật này có thể đồng nghĩa với việc áp dụng các biện pháp nhằm thắt chặt kiểm soát nhập khẩu (NK) các mặt hàng gỗ vào các thị trường này. Điều đó sẽ tác động đến các hoạt động XK các mặt hàng gỗ của Việt Nam vào các thị trường này trong thời gian tới”.
“Ăn đong” nguyên liệu
Trong khi đó, ở chiều NK, năm 2017, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam bỏ ra khoảng 2,1 tỷ USD để nhập gỗ và sản phẩm gỗ, tương ứng khoảng 28,3% tổng kim ngạch XK. Tăng trưởng kim ngạch NK so với năm 2016 đạt 18,8%, cao hơn mức tăng trưởng trong XK (12,6%).
Ông Nguyễn Tôn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores), đánh giá: “Con số tuyệt đối trong tăng trưởng của XK lớn hơn con số tăng trưởng trong NK, nhưng với tốc độ tăng trưởng trong NK cao như hiện nay có thể tiềm ẩn trong tương lai thặng dư thương mại trong xuất nhập khẩu của ngành gỗ sẽ bị co hẹp”.
Theo Vifores, Việt Nam NK các mặt hàng gỗ từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó Mỹ, Trung Quốc, Campuchia và châu Phi là 4 nguồn cung gỗ và sản phẩm gỗ quan trọng nhất cho Việt Nam tính về giá trị kim ngạch NK. Nguồn cung từ Mỹ và Trung Quốc có độ ổn định rất lớn, trong khi từ Campuchia và châu Phi có độ biến động rất cao.
Tính ổn định/biến động của các nguồn cung liên quan trực tiếp đến các chính sách quản lý và sử dụng tài nguyên tại các quốc gia này.
Nguồn cung có biến động lớn đồng nghĩa với việc các chính sách sử dụng và quản lý tài nguyên và hệ thống thực thi chính sách tại các quốc gia này không ổn định. Tính không ổn định về chính sách và thực thi chính sách làm cho nguồn cung gỗ nguyên liệu từ các quốc gia này tiềm ẩn những rủi ro về mặt pháp lý.
Chưa kể, hiện nay, vấn đề đặt ra đối với các DN Việt Nam là quyền sở hữu trí tuệ. Hiểu biết về vấn đề sở hữu trí tuệ ngành gỗ của DN và cơ quan quản lý nhà nước rất hạn chế. Với 8 tỷ USD kim ngạch XK, giá trị sản phẩm thiết kế tại Việt Nam chiếm tỷ lệ rất nhỏ.
Ông Quyền chia sẻ: “Chúng ta đều sản xuất theo thiết kế đặt hàng của nước ngoài, vì vậy họ sẽ bảo vệ bản quyền đó. Muốn có thiết kế thì mình phải có thương hiệu, muốn có thương hiệu phải có sở hữu trí tuệ. Và muốn có sở hữu trí tuệ, chúng ta phải có nhân lực, đào tạo. Đây là một vấn đề hết sức đau đầu”.
Theo ông Quyền, có lẽ đã đến lúc ngành gỗ Việt Nam phải bắt đầu từ bây giờ để có lộ trình triển khai, học tập để hiểu thế nào là sở hữu trí tuệ, thế nào là thực hiện sở hữu trí tuệ.
Cùng với đó, Chủ tịch Vifores cũng cho rằng động lực phát triển của ngành chế biến gỗ XK có liên quan mật thiết với nguồn cung gỗ trong nước và tiêu dùng nội địa.
Điều này có nghĩa là để ngành chế biến gỗ XK phát triển một cách bền vững trong tương lai cần phải có những chiến lược cấp quốc gia và cấp DN trong việc cân đối cung – cầu nguyên liệu từ nguồn NK, khai thác trong nước và XK; cân đối giữa thị trường nội địa và thị trường XK, cân đối giữa các mảng sản xuất khác nhau của ngành.