Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết, trong 4,33 tỷ USD nói trên, đồ gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt trên 4,11 tỷ USD, chiếm 22,3% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp. Giá trị xuất siêu lâm sản chính đạt gần 3,24 tỷ USD (riêng giá trị xuất siêu gỗ và sản phẩm gỗ đạt trên 3 tỷ USD).
Hiện Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam – chiếm tới 78% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ. Các thị trường có giá trị xuất khẩu gỗ tăng mạnh thời gian qua là Malaysia (gấp 2 lần), Hàn Quốc (50%), Pháp (gần 25%), Hoa Kỳ (11,5%) và Úc (11,3%).
Để đảm bảo lượng gỗ nguyên liệu phục vụ xuất khẩu tăng mạnh theo từng năm, tính đến nay, các địa phương phía Bắc và Bắc Trung bộ có thời vụ trồng rừng trong vụ Xuân Hè, đã trồng được 106 nghìn ha rừng, bằng 114 % so với cùng kỳ năm 2017.
Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), nửa đầu năm nay, công tác bảo vệ rừng tại các địa phương có chuyển biến rõ nét. Lực lượng chức năng đã phát hiện trên 6.650 vụ vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng, giảm gần 2.700 vụ (gần 30%) so cùng kỳ năm ngoái.Diện tích rừng bị thiệt hại trên 450 ha, giảm khoảng 56% so với cùng kỳ năm ngoái.
Năm 2017, Việt Nam đã xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt gần 8 tỷ USD. Trung bình hằng năm, Việt Nam cần nhu cầu khoảng 31 triệu m3 gỗ nguyên liệu để chế biến, trong đó, nguồn cung gỗ trong nước đã đáp ứng tới 70%.