Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tính đến cuối tháng 7/2018, các doanh nghiệp đã đăng ký hợp đồng xuất khẩu gần 5 triệu tấn gạo, tăng 14,28% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trung Quốc tiếp tục đứng vị trí thứ nhất nhập khẩu gạo của Việt Nam với 26,8% thị phần. Tiếp theo là Indonesia với 18,2% thị phần, Philippines với thị phần 10,4%.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, có được kết quả trên, ngoài sự tác động tích cực từ thị trường tiêu thụ ở Trung Quốc, thì nhiều doanh nghiệp Việt đã liên kết tạo nên các vùng nguyên liệu đa dạng cung cấp cho nhiều phân khúc xuất khẩu gạo.
Cụ thể, vụ lúa hè thu 2018, nông dân ĐBSCL đã chuyển đổi trồng các giống lúa thơm cho giá trị cao như, nhóm lúa thơm (Jasmine 85, Nàng Hoa 9, VD 20, ST, RVT…) chiếm tỷ lệ 22,41%; nhóm chất lượng cao chiếm trên 45%.
Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) dự báo, xuất khẩu gạo Việt Nam trong những tháng còn lại của năm 2018 có dấu hiệu tích cực từ thị trường Philippines, với nhu cầu nhập khẩu thêm 500.000 tấn gạo vào tháng 12/2018. Giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ sẽ có khả năng cao hơn so với các đối thủ cạnh tranh như Việt Nam hay Thái Lan do Chính phủ Ấn Độ vừa công bố nâng giá mua gạo từ nông dân tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái, bắt đầu từ vụ mùa hiện tại.
Cùng với đó, nhu cầu nhập khẩu của Iraq trong các tháng tiếp theo sẽ tăng do Iraq đang phải cắt giảm diện tích canh tác lúa để đối phó với tình trạng thiếu nước. Ngoài ra, các nước châu Phi vẫn có nhu cầu nhập khẩu gạo tăng để đáp ứng nhu cầu trong nước ngày càng cao.