Xuất khẩu tăng, đạt hơn 3,71 tỷ USD
Trong 2 tháng đầu năm 2020, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đến sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu của doanh nghiệp (DN) trên cả nước, trong đó có Bình Dương. Tuy nhiên với sự đồng hành của ngành Công Thương Bình Dương cùng sự nỗ lực ổn định sản xuất của các DN, kim ngạch XK của Bình Dương tiếp tục tăng trưởng.
Cụ thể, kim ngạch XK trong tháng 2 của Bình Dương ước đạt 1,87 tỷ USD, tăng 1,5% so với tháng 1 và tăng 66,6% so với cùng kỳ năm 2019. Lũy kế 2 tháng đầu năm đạt hơn 3,71tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2019. Kim ngạch nhập khẩu 2 tháng đầu năm đạt 2,61 USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ. Duy trì thặng dư thương mại đạt 1,1 tỷ USD.
Nhiều mặt hàng XK chủ lực của Bình Dương tiếp tục đạt mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2020, như ngành gỗ kim ngạch XK 2 tháng đầu năm 2020 ước đạt hơn 548 triệu USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm 2019. Trong khi đó, ngành dệt may ước đạt 462,6 triệu USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước.
Sở Công Thương Bình Dương đánh giá, trong 2 tháng đầu năm 2020, tăng trưởng về kim ngạch XK là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của tỉnh Bình Dương.
Xúc tiến mở rộng thị trường xuất khẩu
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, một số lĩnh vực của Bình Dương đang gặp khó khăn như thương mại nội địa, xuất nhập khẩu, hoạt động du lịch… Trong đó, nhiều DN đang gặp khó khăn do phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc, chuyên gia nước ngoài…
Theo bà Nguyễn Thanh Hà – Phó Giám đốc Sở Công Thương Bình Dương – trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nguồn cung nguyên liệu phục vụ sản xuất bị thiết hụt. Do đó, DN muốn đạt kế hoạch tăng trưởng XK cả năm 2020, cần phải có kế hoạch chủ động tìm kiếm thị trường thay thế.
Để hỗ trợ DN, thời gian tới ngành Công Thương sẽ tiếp tục chủ động phối hợp với Bộ Công Thương về xúc tiến, hỗ trợ giao thương giữa các DN, cơ sở sản xuất công nghiệp… nhằm góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh, lợi thế thương mại cho một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu của Bình Dương.
Đặc biệt, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) mới đây được Nghị viện châu Âu thông qua, đã mở ra nhiều cơ hội cho các DN Bình Dương thâm nhập vào thị trường tiềm năng. Trong đó, DN có cơ hội XK các mặt hàng đồ gỗ, dệt may, da giày… trong thời gian tới, khi EU xóa bỏ phần lớn các dòng thuế NK theo lộ trình.
Theo ghi nhận, nhiều ngành hàng của Bình Dương đang tích cực tìm kiếm, mở rộng XK thị trường châu Âu và Hoa Kỳ. Đơn cử như các DN ngành gỗ đang tích cực xúc tiến để mở rộng nhà máy, đầu tư công nghệ, hợp tác với đối tác để nâng chất lượng sản phẩm… tăng giá trị XK.
Ở góc độ DN, ông Đào Minh Ngọc – Giám đốc Công ty Phương Vy (Bình Dương) – nhìn nhận, năm 2020 cơ hội mở rộng thị trường cho các DN còn lớn. Tuy nhiên, để gia tăng XK và chinh phục thị trường mới, các DN cần hợp tác chặt chẽ với đối tác bản xứ từ thăm dò thị trường đến sản xuất sản phẩm. Làm đúng chuẩn sản phẩm ngay từ đầu, DN sẽ dễ thâm nhập vào các thị trường khó tính, nhất là thị trường châu Âu.
Trước tình hình dịch bệch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, DN Bình Dương đang gặp khó khăn XK vào thị trường Trung Quốc… Hiệp định EVFTA và EVIPA sẽ là “xa lộ” mới cho các DN Việt Nam, trong đó có Bình Dương đến với thị trường châu Âu.
Năm 2020, Sở Công Thương Bình Dương đặt mục tiêu tăng trưởng XK 15% so cùng kỳ 2019. Để đạt được mục tiêu này, thời gia tới Sở sẽ triển khai nhiều giải pháp như: đẩy mạnh thực hiện các chương trình xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường XK.
Hiện Sở Công Thương đang xây dựng Đề án nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và hàm lượng công nghệ, tri thức trong các sản phẩm XK chủ lực (cơ khí, điện tử, dệt may, gốm sứ) và dịch vụ (logistics và đào tạo nguồn nhân lực).
Khi đề án được phê duyệt sẽ giúp các DN của Bình Dương nâng cao được tỷ lệ nội địa hóa và hàm lượng công nghệ tri thức, giúp đáp ứng được các yêu cầu về quy tắc xuất xứ của các hiệp định. Qua đó tận dụng được các ưu đãi về thuế, giúp gia tăng kim ngạch XK cũng như nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa XK.
Minh Khuê