Xuất siêu ấn tượng
2013 là một năm lĩnh vực xuất khẩu đạt được nhiều thành tựu, trong đó phải kể đến thắng lợi của ngành dệt may. Cho dù đây là năm nền kinh tế chứng kiến khó khăn đến với nhiều ngành sản xuất, song riêng đối với dệt may, không những có sự cán đích ngoạn mục (kim ngạch xuất khẩu đạt 20 tỷ USD, tăng 16,28% so với 2012) mà còn xuất siêu rất ấn tượng: 6,5 tỷ USD.
Có thể thấy, ngành dệt may Việt Nam sau hơn 20 năm liên tục phát triển với tỷ lệ tăng trưởng bình quân 15%/năm, đến nay đã vươn lên trở thành ngành kinh tế hàng đầu của cả nước, và là nước xuất khẩu dệt may lớn thứ 5 trên thế giới. Theo nhận định của giới chuyên gia, với những thuận lợi vốn có, cùng với việc nền kinh tế toàn cầu hóa, thời gian tới sẽ có rất nhiều cơ hội để ngành dệt may Việt Nam tiến xa hơn nữa. Đặc biệt khi Việt Nam tham gia ký kết hiệp định đối tác xuyên Thái Bình dương (TPP), những cơ hội cho các DN xuất khẩu đồ may mặc bước chân ra nhiều thị trường trên thế giới là rất lớn. Nói như ông Nguyễn Đình Trường, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, TPP đại diện cho khoảng 1/3 tổng kim ngạch thương mại toàn cầu nên đây thực sự là thị trường lớn. Theo ông Trường, TPP được xem là cơ hội thứ ba của ngành dệt may Việt Nam và những DN năng động, biết nắm bắt và tận dụng tốt cơ hội sẽ phát triển mạnh nhờ Hiệp định này.
Theo lãnh đạo Bộ Công thương, để có được những thành quả nói trên, bản thân các DN trong ngành đã nỗ lực thực hiện tái cơ cấu, thay đổi cách thức hoạt động. Thanh vì mục tiêu tăng trưởng “chạy theo” số lượng, ngành dệt may đang chuyển dần sang nâng cao năng suất lao động, gia tăng hàm lượng nội địa hóa, tập trung sản xuất những mặt hàng có yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng. Đặc biệt, theo nhận định của bà Đỗ Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), trong thời điểm nền kinh tế có nhiều khó khăn, ngành dệt may đã tận dụng những hợp đồng có quy mô nhỏ và vừa để từ đó hình thành nên những đặc thù thị trường nhỏ của dệt may Việt Nam trong thời gian tới.
“Điều này đã thể hiện rõ tính linh hoạt, hiệu quả của chiến lược hai thị trường mà ngành dệt may áp dụng trong thời điểm khó khăn hiện nay, đó là tiếp tục duy trì tốt các thị trường đang có, đặc biệt là tận dụng những ưu thế cạnh tranh trong những thị trường ngách và tập trung tăng thị phần ở những thị trường mới chứ không chỉ đơn thuần là đầu tư mở rộng thị trường chạy theo số lượng” – lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu nhận định.
Trong năm 2013, các DN trong ngành hầu như không mở rộng kênh tiêu thụ mà thay vào đó cải thiện chất lượng của các kênh phân phối hiện có, tăng cường khai thác thị trường nội địa để cung cấp hàng Việt Nam chất lượng cao, giá cả hợp lý cho người tiêu dùng và cũng là để duy trì sản xuất liên tục, tạo việc làm ổn định cho người lao động…

Dệt may vẫn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam
Vẫn day dứt mối lo nguồn nguyên liệu
Tuy nhiên, Bộ Công thương vẫn thừa nhận một thực tế là, khó khăn lớn nhất của ngành dệt may hiện nay vẫn là, đang phải phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Số liệu thống kê cho thấy, ngành mới chỉ đáp ứng được 2% nhu cầu bông và 1/8 nhu cầu vải, sản xuất được 140.000 tấn sợi mỗi năm nhưng chưa phải là sợi chất lượng cao. Mặc dù rất cố gắng nhưng trong năm 2013 ngành dệt may chỉ nội địa hóa được khoảng 48% nguồn nguyên phụ liệu. Những khó khăn về nguồn nguyên liệu có lẽ chính là “mối day dứt” lớn nhất của ngành này trong suốt nhiều năm qua.
Và cho dù đã có nhiều nỗ lực trong mục tiêu giảm nhập siêu, song theo bà Đỗ Thị Thu Hương, chúng ta vẫn đang phải nhập khẩu nhiều nguyên phụ liệu cho ngành dệt may, và chủ yếu vẫn nhập từ Trung Quốc do đó, đây cũng là một trong những lý do khiến nhập siêu của ta từ nước láng giềng này vẫn cao.
Có lẽ, khó khăn về nguồn nguyên liệu vẫn luôn là bài toán khó của không chỉ ngành dệt may mà ở cả nhiều lĩnh vực xuất khẩu mũi nhọn khác của Việt Nam như da giày… Bài toán này sẽ vẫn cần đang cần câu trả lời thích đáng để Việt Nam có thể tăng tỷ lệ nội địa hóa trong các sản phẩm xuất khẩu, vì chỉ khi giảm bớt những chi phí về nguyên phụ liệu thì giá trị gia tăng mới cao.
Theo nhiều chuyên gia trong ngành, một trong những “lời giải” cho bài toán này chính là việc đầu tư vào ngành dệt nhuộm. Tuy nhiên, khó khăn ở đây chính là nhiều địa phương đang rất “dị ứng” với các DN khi họ muốn gây dựng nhà máy dệt nhuộm do những e ngại sẽ tác động lớn đến môi trường. Bởi vậy, giới chuyên gia trong ngành cho rằng, nhà quản lý cần có những chính sách để hấp dẫn thu hút đầu tư vào ngành dệt nhuộm, song song với đó cũng cần phải có sự kiểm soát chặt chẽ để các DN khi đầu tư tránh được tối đa sự ảnh hưởng của việc sản xuất đối với môi trường xung quanh.