Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy thời gian qua, dù kim ngạch xuất khẩu (XK) hàng hóa Việt Nam cao nhưng đóng góp chủ yếu đến từ khu vực doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (chiếm hơn 70%), trong khi sự tham gia của các DN nội địa còn mờ nhạt và hạn chế. Cùng với đó, nhiều ngành công, nông nghiệp XK chủ lực phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu.
Giá trị gia tăng thấp
Theo ông Đặng Triệu Hòa, Tổng Giám đốc công ty CP Sợi Thế Kỷ, giá trị XK dệt may của Việt Nam tăng trưởng tốt nhưng phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu, đặc biệt là từ Trung Quốc.
“Nguồn cung vải phụ thuộc mạnh vào Trung Quốc là Việt Nam đang “XK hộ”, DN chỉ thu được giá trị rất ít trong khi kim ngạch XK rất cao”, ông Hòa đánh giá.
Đồng thời, Việt Nam nỗ lực đàm phán và ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) tuy nhiên chỉ duy nhất FTA Việt Nam – Hàn Quốc không yêu cầu đảm bảo quy tắc xuất xứ. Nếu không chủ động nguồn cung nguyên liệu, các DN dệt may rất khó hưởng lợi từ các FTA mà Việt Nam đã nỗ lực đàm phán.
Hay thời gian vừa qua, kim ngạch XK trái cây rất “hoành tráng” nhưng một phần trong đó là trái cây Thái Lan (xuất vào Việt Nam rồi mượn đường XK ra nước ngoài để hưởng ưu đãi thuế quan của Việt Nam).
Bài toán xây dựng chuỗi
Trong bối cảnh Việt Nam vẫn chưa có chính sách rõ rệt trong việc khuyến khích XK thương hiệu quốc gia, ông Tuân đề xuất Nhà nước cần có chính sách đặc biệt cho những DN XK mang thương hiệu Việt.
“Muốn trở thành quốc gia XK giá trị gia tăng, Nhà nước phải có chính sách thuế phù hợp. Đồng thời có chính sách ưu đãi các DN mở hệ thống phân phối tại nước ngoài, có chính sách khuyến khích kiều bào tích cực phân phối hàng Việt”, ông Tuân nhấn mạnh.
Nhà nước cũng cần phải có một chương trình táo bạo, mạnh mẽ đầu tư cho hướng XK giá trị gia tăng, cần phải có một giải pháp tổng thể, ví dụ đầu tư cho giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ…
Thiếu một công nghệ mạnh thì không thể có được sản phẩm giá trị gia tăng, không thể vay mượn công nghệ, máy móc nước ngoài để sản xuất hàng giá trị gia tăng.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần đầu tư xây dựng hình ảnh quốc gia thông qua sản phẩm bằng việc định vị một số ngành hàng có thế mạnh của đất nước. Ví dụ: Thụy Sỹ nổi tiếng sản xuất đồng hồ, Nhật Bản là ô tô…
“Người tiêu dùng sẽ không mua đồng hồ Trung Quốc kể cả khi chất lượng trên thực tế tốt hơn Thụy Sỹ”, ông Tuân so sánh.
Bên cạnh đó, bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh bản thân DN cũng cần nâng cao giá trị bắt đầu từ chữ “Ch”. Cụ thể là: chất lượng sản phẩm; chuẩn sản phẩm; chuyên môn hóa; chuỗi giá trị; chế biến sâu; chỉ dẫn địa lý (Việt Nam có 80 chỉ dẫn mà DN chưa tận dụng tốt); chuyển đổi, nâng cấp liên tục về công nghệ, quản trị, kỹ năng và nhân lực.
Kể câu chuyện có một số nhà nhập khẩu của Mỹ đến Việt Nam nhờ tổ chức Liên minh Hỗ trợ XK Việt Nam (VESA) tiếp cận với một số nhà sản xuất Việt Nam, ông Trần Đình Toản, Chủ tịch VESA, cho biết sau khi làm việc, vấn đề duy nhất hai bên không thống nhất được với nhau là số lượng.
“Số lượng lớn, DN Việt Nam không làm được nhưng tôi không hiểu vì sao các DN không chịu liên kết với nhau. Để nâng cao giá trị gia tăng, bên cạnh việc tăng cường phát triển sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu thị trường, liên kết giữa các DN trong việc sử dụng nguyên liệu trong nước, liên kết cùng sản xuất đơn hàng cũng là tất yếu”, ông Toản nhấn mạnh.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, Việt Nam đang đứng trước ngã rẽ hoặc tiếp tục XK với giá trị gia tăng thấp hoặc đa dạng hóa và vươn lên trong chuỗi giá trị toàn cầu để tham gia vào công đoạn đem lại giá trị gia tăng hơn.
Đứng trước ngã rẽ này, Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn. Thông thường các DN Việt chủ yếu mua qua bán lại các sản phẩm của nhau hoặc ủy thác tiêu thụ sản phẩm.
Trong khi đó, để nâng cao giá trị gia tăng, các DN phải hình thành chuỗi liên kết từ khâu đầu là nguyên liệu đến quy trình chế biến và nhiều khâu khác nhau trước khi đưa sản phẩm ra thị trường.
Đơn cử, Việt Nam có khoảng 700 chuỗi giá trị nông sản được chứng nhận là chuỗi cung ứng nông sản an toàn nhưng chỉ khoảng 50% chuỗi hoạt động hiệu quả. Chính điều này làm cho sản phẩm của Việt Nam gặp khó khăn hơn so với các nước có trình độ tổ chức sản xuất tốt hơn.
Ông Đoàn Anh Tuân, Chủ tịch công ty Chè Thế Hệ Mới (chè Cozy), cho rằng phần lớn các DN Việt Nam có quy mô nhỏ, không đủ tiềm lực đầu tư vùng nguyên liệu, thiết bị chế biến sâu và thiết bị đóng gói hiện đại. Các DN Việt Nam mới chỉ là thế hệ thứ nhất, thứ hai sau khi đất nước mở cửa gần 30 năm trước, nên tầm chiến lược chưa có.
“Tư duy ngắn hạn, cải thiện kinh tế gia đình, chạy theo thành tích về số lượng… chứ chưa phải xây dựng thương hiệu. Kiến thức về quản lý sản xuất, thương hiệu, luật pháp nước nhập khẩu rất hạn chế. Trong khi đó, các nước đều có xu hướng muốn bảo hộ nền sản xuất giá trị gia tăng của mình”, ông Tuân cho biết.
CEO của thương hiệu chè Cozy dẫn chứng, 20 năm trước, XK trà thành phẩm sang Nga rất dễ dàng nhưng sau này gần như không thể do chính sách thuế nhập khẩu của Nga.
“Các nước đều ý thức được sản xuất giá trị gia tăng sẽ thúc đẩy các nền công nghiệp phụ trợ phát triển, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân. Các đối tác sẽ không thích thú gì khi các nhà XK bán sản phẩm giá trị gia tăng, vởi vậy họ không sẵn sàng đầu tư marketing cho thương hiệu của người khác”, ông Tuân chia sẻ.