Nhìn lại tình hình xuất khẩu (XK) cao su của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm nay sẽ thấy tuy tăng 22,6% về khối lượng (ước đạt hơn 442 nghìn tấn) nhưng chỉ đạt kim ngạch khoảng 647 triệu USD – giảm đến 8,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá trị giảm mạnh
Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam (chiếm khoảng 2/3 thị phần), tiếp đến là Ấn Độ và Malaysia. Điều đáng nói, so với cùng kỳ năm 2017, giá XK cao su của Việt Nam sang Trung Quốc trong 5 tháng qua chỉ đạt bình quân 1.440 USD/tấn, giảm đến 26,6%.
Cần nhắc lại, năm 2017, XK nguyên liệu cao su thiên nhiên đã mang về cho Việt Nam 2,25 tỷ USD. Nếu soi kỹ diễn biến giá cao su thiên nhiên trong 5 tháng đầu năm 2018 sẽ thấy ở chủng loại SVR 3L (chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu mặt hàng XK cao su thiên nhiên) chỉ được chào bán với giá bình quân 1.578 USD/tấn, giảm tới 28,7% so với mức giá 2.213 USD/tấn cùng kỳ năm ngoái.
XK cao su thiên nhiên với giá trị thấp rõ ràng là thiệt thòi lớn cho ngành cao su Việt Nam. Trong bối cảnh giá cao su thiên nhiên suy giảm, các doanh nghiệp (DN) lại đối mặt nhiều vấn đề như chi phí sản xuất tăng gây khó khăn cho nông dân, sự thao túng thị trường của các ngành tiêu thụ cao su và thiếu chính sách để ổn định giá cao su thiên nhiên.
Nhận định về xu hướng của thị trường cao su thiên nhiên, báo cáo cập nhật gần đây của Hiệp hội Các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) đã điều chỉnh dự báo sản lượng cao su thiên nhiên thế giới năm 2018 sẽ đạt 14,2 triệu tấn, tăng 6,4% so với năm 2017, đồng thời nhu cầu cao su thế giới trong năm nay có tốc độ tăng trưởng tương đương 6,4% và đạt 14,286 triệu tấn.
Số liệu dự báo này cho thấy triển vọng cân bằng giữa nguồn cung và cầu cao su thiên nhiên thế giới trong năm nay nhằm ổn định thị trường. Tuy nhiên, dự báo trong ngắn hạn, giá cao su sẽ chịu ảnh hưởng chủ yếu bởi sự bất ổn từ nhiều yếu tố ngoài cung cầu như vấn đề thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, sự biến động của giá dầu thô thế giới, tỷ giá hối đoái giữa USD với các đồng tiền mạnh, cùng diễn biến tại các thị trường giao dịch cao su tương lai trong khu vực.
Trong khi đó, thông tin đưa ra từ hội thảo Cơ hội từ CPTPP và kế hoạch hành động vì ngành cao su diễn ra ở Tp.HCM ngày 14/6 cho thấy XK cao su thiên nhiên của Việt Nam trong tương lai sẽ gặp nhiều thách thức khi CPTPP có hiệu lực.
Đối với cao su thiên nhiên (mã HS 4001), ngay khi CPTPP có hiệu lực, thuế nhập khẩu vào các nước thành viên lập tức về 0% đối với các quốc gia còn áp thuế nhập khẩu cho nhóm hàng này, trong đó có Việt Nam (thuế nhập khẩu MFN là 3%).
Cạnh tranh sẽ gay gắt
Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), việc nhập khẩu cao su thiên nhiên từ các quốc gia có sản xuất mặt hàng này (như Malaysia) vào Việt Nam với mức thuế về 0% không chỉ được thực hiện theo cam kết trong CPTPP mà còn theo các thỏa thuận thương mại tự do (FTA) khác mà Việt Nam tham gia như: Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), ASEAN – Trung Quốc (ACFTA)… Điều này dẫn đến xu hướng cạnh tranh gay gắt đối với mặt hàng cao su thiên nhiên không chỉ ở thị trường XK mà ngay tại thị trường nội địa.
Đối với sản phẩm cao su, ông Trần Ngọc Bình, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho biết 11 nước thành viên CPTPP có lộ trình cắt giảm riêng cho từng nhóm sản phẩm và sẽ loại bỏ hoàn toàn thuế quan trong vòng 16 năm sau khi CPTPP có hiệu lực.
Còn với gỗ cao su và sản phẩm từ gỗ cao su, các ưu đãi về thuế quan sẽ theo lộ trình và quy tắc xuất xứ. Ngoài ra, để nâng cao giá trị cho gỗ cao su nguyên liệu và sản phẩm từ gỗ cao su, các DN cần chứng minh nguồn gốc hợp pháp của gỗ thông qua các quy định, chứng chỉ quản lý rừng trồng một cách chặt chẽ và xuyên suốt.
Số liệu thống kê cho thấy hồi năm ngoái, XK cao su thiên nhiên của Việt Nam sang các nước thành viên CPTPP đạt 176,4 triệu USD, chiếm 7,8% tổng kim ngạch XK mặt hàng này. Riêng đối với XK sản phẩm cao su đạt 818,6 USD (chiếm 38,2%; gỗ cao su và sản phẩm từ gỗ cao su đạt 348 triệu USD, chiếm 17,6%).
Trước những thách thức đặt ra từ CPTPP, nhưng để mở rộng thị trường và giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc cũng như tăng giá trị cho cao su XK, theo giới chuyên gia, vấn đề đặt ra với ngành cao su Việt Nam hiện nay là cần thúc đẩy để đưa ra các yêu cầu về tiêu chuẩn hóa và truy xuất nguồn gốc trong chuỗi cung ứng cao. Và việc tham gia của tất cả các bên liên quan trong chuỗi cung ứng là rất quan trọng cho sự thành công của vấn đề này.
Nhằm đáp ứng các yêu cầu về quy tắc xuất xứ cũng như các tiêu chuẩn trong CPTPP và các FTA, Ts. Trần Thị Thúy Nga, Trưởng Ban Tư vấn phát triển ngành cao su (VRA), cho biết đến tháng 3/2018 đã có 200 triệu héc ta cao su trong cả nước đã có chứng chỉ quản lý rừng (FSC). Tính đến đầu năm nay có 45 DN sản xuất, chế biến sản phẩm cao su thiên nhiên của Việt Nam đã tham gia vào sáng kiến Cao su thiên nhiên bền vững.