7 tháng đầu năm 2018, tổng giá trị xuất khẩu cá tra đạt 1,198 tỷ USD, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm trước. Top 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất lần lượt là: Trung Quốc, Mỹ và EU, và giá trị xuất khẩu sang 3 thị trường này đều tăng trưởng khả quan.
Điểm sáng tại thị trường Mỹ và EU
Tuy là thị trường nhập khẩu số 1 nhưng kể từ ngày 1/7/2018, thuế nhập khẩu cá tra vào Trung Quốc đã được điều chỉnh giảm khoảng 3 – 4%. Cụ thể, thuế nhập khẩu philê cá tra đông lạnh giảm từ 10% xuống còn 7%; thuế suất cá tra tươi hoặc ướp lạnh giảm từ 12% xuống 7%. Đây là yếu tố thuận lợi tạo thêm cơ hội để doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc, thế nhưng tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc đang giảm.
Trong hai tháng 6 và 7/2018, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc đạt lần lượt 48,4 triệu USD và 38,4 triệu USD, thấp hơn giá trị xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Tuy nhiên, cộng dồn 7 tháng, giá trị xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc vẫn đạt 289,8 triệu USD, tăng 40,6% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 24,2% tổng giá trị xuất khẩu cá tra, tiếp tục giữ vị trí ví số 1.
Trong những tháng gần đây tại hai thị trường lớn và truyền thống của xuất khẩu cá tra Việt Nam là Mỹ và EU lại xuất hiện những điểm mới và sáng hơn trong bức tranh xuất khẩu cá tra, đó là sự tăng trưởng khá tốt.
Đối với thị trường Mỹ, tính đến hết tháng 7/2018, giá trị xuất khẩu đạt 255,3 triệu USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước. Riêng trong tháng 7/2018, giá trị xuất khẩu sang thị trường này đạt mức cao nhất, cao hơn giá trị xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, đạt gần 58,5 triệu USD, chiếm 30% tổng xuất khẩu cá tra.
Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung cũng là một cơ hội tốt cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam tận dụng giành thị phần với sản phẩm cá rô phi tại thị trường Mỹ. Dự báo, nếu chương trình thanh tra cá da trơn sắp tới không làm ảnh hưởng và làm xáo trộn hoạt động xuất khẩu cá tra sang Mỹ thì mức tăng trưởng này còn tiếp tục duy trì. Các doanh nghiệp cá tra Việt Nam vẫn đang tiếp tục kiên trì bám trụ tại Mỹ.
Đối với thị trường EU, 7 tháng đầu năm 2018, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường này đạt 139,1 triệu USD, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tín hiệu đáng mừng sau 3 năm liên tiếp xuất khẩu cá tra sang thị trường này ảm đạm. Riêng xuất khẩu cá tra sang thị trường Hà Lan và Italy tăng rất mạnh 43% và 83,1% đạt giá trị lần lượt là 38,1 triệu USD và 14 triệu USD.
Trung Quốc siết chặt hàng rào kỹ thuật
Theo thông tin mới nhất từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ở thời điểm hiện tại, các nhà nhập khẩu ở Trung Quốc đã tạm ngừng thu mua cá tra Việt Nam để tiêu thụ hết lượng hàng đã nhập trước đó. Do vậy, nhiều doanh nghiệp giảm khâu thu mua cá tra nguyên liệu. Tuy nhiên, dự báo giá cá tra từ nay đến cuối năm sẽ vẫn ở mức có lãi cho người nuôi.
Theo ông Trương Đình Hoè, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep), Trung Quốc không chỉ là một thị trường rộng lớn, xuất khẩu cá tra vào thị trường này tăng trưởng liên tục và còn là quốc gia có nền ẩm thực khá phong phú. Song, Trung Quốc là thị trường chưa ổn định, các doanh nghiệp Việt Nam đang bối rối vì nhiều quy định của Nhà nước Trung Quốc.
Ví dụ, quy định hàm lượng phosphate trong sản phẩm cá tra của EU là không vượt quá 4%, nhưng Trung Quốc khi kiểm tra sản phẩm cá tra Việt Nam lại chỉ đưa ra nhận định “sản phẩm có dư lượng và không đạt tiêu chuẩn của Trung Quốc!”.
Đặc biệt, từ khi khối lượng cá tra xuất khẩu vào Trung Quốc tăng mạnh, phía Trung Quốc liền đặt ra hàng rào kỹ thuật và kiểm soát chặt chất lượng hàng nhập khẩu chính ngạch, nhưng lại thả nổi chất lượng đối với các mặt hàng nhập khẩu đường biên mậu, trong khi hàng biên mậu lại không phải chịu 17% thuế giá trị gia tăng như hàng chính ngạch.
7 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch cá tra xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 289,8 triệu USD, trong đó, xuất khẩu tiểu ngạch chiếm khoảng 40%. xuất khẩu tiểu ngạch và chính ngạch có sự chênh lệch về giá khoảng 1 USD/kg.
Theo Vasep, để thúc đẩy xuất khẩu thủy sản nói chung, cá tra nói riêng sang thị trường Trung Quốc, một trong những giải pháp quan trọng là tập trung kiểm soát tốt chất lượng, đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch.
Trung Quốc không còn là thị trường hàng chất lượng thấp mà là một thị trường đang phát triển và nhạy cảm với các vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm, người tiêu dùng Trung Quốc đang tìm kiếm những sản phẩm nhập khẩu được chấp nhận tại các thị trường châu Âu, châu Mỹ, trong đó có sản phẩm cá tra của Việt Nam.