Trong 3 sản phẩm xuất khẩu chính, gồm tôm, cá tra và cá ngừ thì mặt hàng cá tra có nhiều triển vọng lần đầu tiên đột phá để đạt mức trên 2 tỷ USD, cộng với sự tăng trưởng trở lại của ngành tôm và xuất khẩu cá ngừ với nhiều khả quan, trong khi đó xuất khẩu hải sản mỗi năm đều đạt từ 2,2 – 2,3 tỷ USD. Như vậy, khả năng xuất khẩu thủy sản năm nay đạt hoặc vượt mục tiêu đề ra là hoàn toàn khả quan.
Mục tiêu trong tầm tay
Ông Trương Đình Hòe Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, xuất khẩu cá tra đạt trung bình 200 triệu USD/tháng, so với mọi năm tăng khoảng 50 triệu USD/tháng, được vậy là nhờ giá xuất khẩu tăng lên và từ nhu cầu của thị trường.
7 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu cá tra đạt được 1,2 tỷ USD, tăng xấp xỉ 20% so với cùng kỳ, còn lại 5 tháng cũng là mùa nhập khẩu của các nước, nếu từ nay đến cuối năm, xuất khẩu cá tra vẫn giữ mức 200 triệu USD/tháng thì năm nay hoàn toàn có khả năng đạt kim ngạch ít nhất 2 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2017.
“Song, vấn đề là khả năng tiếp tục thiếu cá nguyên liệu đến tháng 4/2019. Do sản lượng cá nuôi thu hoạch không đáp ứng đủ nhu cầu chế biến của các nhà máy, nên giá cá vẫn ở mức cao và giá xuất khẩu cũng cao”, ông Hoè khẳng định.
Đối với mặt hàng tôm, các tháng cuối năm bao giờ cũng là mùa tiêu thụ tôm, do vậy, giá tôm xuất khẩu đang nhích dần lên và hy vọng mặt hàng tôm sẽ có một kết quả sáng sủa hơn. Có khả năng năm nay, xuất khẩu tôm sẽ đạt từ 4 – 4,2 tỷ USD.
Về mặt hàng cá ngừ, 7 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu cá ngừ đạt 356,49 triệu USD, còn lại 5 tháng kim ngạch xuất khẩu để cá ngừ có thể đạt từ 550 – 560 triệu USD. Như vậy, tổng kim ngạch xuất khẩu tôm, cá tra và cá ngừ có khả năng đạt 6,7 – 6,8 tỷ USD. Phần còn lại sẽ do hải sản đóng góp, có khả năng đạt 2 – 2,5 tỷ USD.
“Thông thường, kim ngạch xuất khẩu tôm và cá tra xấp xỉ 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành, phần còn lại là hải sản (bao gồm cá ngừ), hàng năm kim ngạch xuất khẩu hải sản thường mang về khoảng 3 tỷ USD. Như vậy, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2018 có thể đạt và vượt mốc 9 tỷ USD như mục tiêu đề ra hồi đầu năm”, ông Hòe chia sẻ.
Cần chú trọng đến khâu giống cho cá tra
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường, 2018 là năm đầu tiên xuất khẩu cá tra đột phá và có thể mang về hơn 2 tỷ USD. Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu long đang có 8 tỉnh nuôi cá tra với gần 5.000 ha mặt nước. Qua 20 năm hình thành và phát triển, con cá tra của khu vực này đã trở thành ngành hàng có bước phát triển vượt bậc, trong thời gian tới cần phát huy mạnh tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, để đưa ngành cá tra phát triển bền vững.
Muốn vậy, các địa phương trong vùng phải quy hoạch lại sản xuất từ khâu giống, thức ăn, nuôi và chế biến xuất khẩu, tăng cường ứng dụng khoa học – công nghệ. Đa dạng hóa sản phẩm, các mặt hàng giá trị gia tăng, chế biến sâu để nâng cao tính cạnh tranh và nhất là đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.
Để có sản phẩm cá tra chất lượng tốt, cần chú trọng khâu giống, trong đó, ưu tiên bộ giống gốc. Việc hình thành 3 trục: Chính phủ, các bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp cùng người nuôi liên kết chặt chẽ nhau, tạo sự thống nhất cao để thúc đẩy ngành hàng này tăng trưởng mạnh. Từ đó, phấn đấu đạt mục tiêu xuất khẩu năm sau cao hơn năm trước.
Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho biết, tính đến thời điểm này các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã thả nuôi đạt 4.033 ha, sản lượng thu hoạch đạt 814.086 tấn. Hiện giá cá nguyên liệu trong nửa đầu năm 2018 cao hơn mức giá trung bình năm 2017 khoảng từ 4.500 – 7.000 đồng/kg. Giá cá nguyên liệu hiện đang ở mức từ 25.000 đồng – 27.000 đồng/kg, tùy chất lượng và hình thức thanh toán.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vũ Văn Tám nhấn mạnh, nhằm đáp ứng đủ nhu cầu con giống chất lượng cao, việc xây dựng liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng Đồng bằng sông Cửu Long là hết sức cần thiết. Từ đó ổn định cung – cầu về con giống, con giống có thương hiệu, bảo đảm truy xuất nguồn gốc. Điều này góp phần phát triển ngành hàng cá tra theo hướng bền vững, đáp ứng các yêu cầu tiêu thụ của thị trường trong nước và quốc tế.