Nói như ông Võ Đông Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần chế biến xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ: “Việt Nam không còn “một mình một chợ” trong sản xuất và xuất khẩu cá tra”.
Cụ thể, trong khi Việt Nam có sản lượng cá tra 1,3 triệu tấn, Ấn Độ cũng đã có 650.000 tấn, Bangladesh 450.000 tấn, Indonesia 110.000 tấn. Ngay cả đến thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc cũng đã nuôi và thu hoạch 10.000 tấn cá tra ở Hải Nam.
Trao đổi với DĐDN, Chuyên gia Nguyễn Hữu Dũng – Chủ tịch Hiệp hội nuôi biển Việt Nam, nguyên Tổng thư ký VASEP nhận định, đây là thực tế đã được nhìn thấy trước.
Không bi quan về áp lực này, vị chuyên gia này cho rằng, đây là áp lực nhưng cũng là động lực để phát triển ngành cá tra, để cải thiện các khâu của quá trình sản xuất và phát triển. Từ vấn đề nuôi, chế biến, đến xuất khẩu và phát triển thị trường.
Bởi trên thực tế, dù là sản phẩm nông sản xuất khẩu chính, tuy nhiên sau 20 năm phát triển, cá tra Việt vẫn “vô danh”, trên thị trường thế giới vẫn chưa có được thương hiệu nào đáng giá.
Một cuộc khảo sát từng được công bố tại Hội chợ quốc tế Thủy sản Vietfish cho thấy, cá tra Việt Nam trên thị trường quốc tế là một sản phẩm không có tên gọi. Hầu hết người tiêu dùng khi sử dụng sản phẩm đều không biết đây là con cá gì, tên gọi ra sao… Trong khi đó, từ siêu thị, nhà hàng đến cửa hàng bán lẻ, cá tra có nhiều tên gọi khác nhau, như Striped Pangasius, Striped Catfish, Swai, Bocourti, Sutchi… Nhưng đôi lúc, nhãn hiệu trên bao bì sản phẩm chỉ ghi là “cá thịt trắng”.
Đặc biệt, trong số hơn 2 tỷ USD xuất khẩu mỗi năm, chỉ có khoảng 2% là của các sản phẩm chất lượng, có hàm lượng giá trị gia tăng. Còn lại vẫn chủ yếu là các sản phẩm dạng nguyên liệu thô như phi lê đông lạnh, xẻ bướm hoặc cắt khúc…
Được biết, Bộ NN&PTNT cũng đã triển khai chương trình cá tra phi lê chất lượng cao và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển mặt hàng giá trị gia tăng. Tuy nhiên, thiếu áp lực được được xem là nguyên nhân khiến doanh nghiệp ngại có bước đi đột phá để tăng sức cạnh tranh của ngành hàng này.
Bởi vậy, áp lực thuế suất, tiêu chuẩn kỹ thuật và nay là cạnh tranh nguyên liệu từ chính các thị trường vừa là áp lực cũng là động lực cho sự phát triển của ngành.