Chia sẻ tại Hội thảo “Ưu đãi đầu tư, giao dịch liên kết: thực trạng và giải pháp” do Bộ kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 10/7, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn Thuế Việt Nam cho biết, từ năm 2016, cơ quan chức năng áp dụng biện pháp quản lý rủi ro, việc thanh tra chống chuyển giá được tăng cường đẩy mạnh.
Theo đó, năm 2016, sau khi thanh tra 329 doanh nghiệp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có giao dịch liên kết, cơ quan chức năng truy thu 607 tỷ đồng và giảm lỗ hơn 5.000 tỷ đồng.
Năm 2017, 734 doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết đã bị cơ quan chức năng thanh tra chống chuyển giá tiến hành thanh tra, trong đó cơ quan chức năng truy thu, truy hoàn và phạt 2.270 tỷ đồng, giảm lỗ của doanh nghiệp hơn 7.100 tỷ đồng.
Cũng liên quan đến hoạt động chống chuyển giá, thống kê của Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) từ số liệu phân tích báo cáo tài chính doanh nghiệp FDI từ 2012-2016 cho thấy, số lượng doanh nghiệp FDI báo lỗ hàng năm từ 44-51%.
Đặc biệt, năm 2015 có tới 51% và năm 2016 có tới 50% doanh nghiệp FDI báo lỗ. Tốc độ tăng của quy mô đầu tư và hoạt động của doanh nghiệp áo lỗ và doanh nghiệp lỗ luỹ kế cho thấy tình trạng chuyển giá của khu vực FDI ngày càng gia tăng và phức tạp.
Bên cạnh tình trạng chuyển giá từ Việt Nam ra nước ngoài của một số doanh nghiệp FDI, đáng chú ý, đã bắt đầu xuất hiện nhiều hiện tượng mới như tình trạng chuyển giá, chuyển lợi nhuận ngược (từ nước ngoài vào Việt Nam) của một bộ phận doanh nghiệp FDI để được hưởng ưu đãi lớn về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp và thời gian miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.
Điều này thể hiện qua tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn sở hữu (ROE) bình quân của doanh nghiệp FDI trong một số ngành của các năm qua luôn duy trì mức rất cao như: Linh kiện điện tử, máy vi tính, thiết bị ngoại vi; Viễn thông, phần mềm luôn trên 30%.
Theo lý giải của Cục Tài chính Doanh nghiệp, một trong những nguyên nhân của thực trạng này do doanh nghiệp FDI lợi dụng chính sách ưu đãi đầu tư cao như tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân để chuyển giá, chuyển lợi nhuận.
“Với cách lách luật tinh vi này, thực tế là nhiều doanh nghiệp FDI thực chất có hoạt động tốt, nhưng nộp ngân sách rất thấp, chưa tương xứng với nguồn tài nguyên sử dụng và việc đảm bảo môi trường”, Cục Tài chính doanh nghiệp nhận định.
Để khắc phục tình trạng này và nâng cao hiệu quả việc thu hút, quản lý vốn FDI trong thời gian tới, Cục Tài chính Doanh nghiệp đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp các cơ quan hữu quan rà soát, đánh giá chính sách ưu đãi đầu tư hiện nay để nghiên cứu, đề xuất đánh giá chính sách thu hút FDI cho giai đoạn tới.
Trong đó, chính sách cần tăng tỷ trọng đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông, vật liệu mới, linh kiện điện tử, xử lý nước thải, chất thải…
Đồng thời, có cơ chế ràng buộc doanh nghiệp FDI đào tạo đội ngũ lao động tay nghề cao, chuyển giao công nghệ, sử dụng sản phẩm phụ trợ của DN Việt Nam để tăng tỷ lệ nội địa hoá sản phẩm của doanh nghiệp FDI.
Bên cạnh đó, cơ quan này cũng đề xuất Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, báo cáo Chính phủ cơ chế kiểm soát để hạn chế tình trạng doanh nghiệp FDI báo lỗ luỹ kế, lỗ mất vốn liên tục trong thời gian dài, nhưng vẫn tiếp tục đầu tư mở rộng để hưởng ưu đãi thuế.
Ngoài ra, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin đồng bộ về doanh nghiệp FDI để phục vụ việc tổng hợp, đánh giá, giám sát hiệu quả, kịp thời.