- VASEP dự báo thị trường Trung Quốc chắc chắn sẽ giảm mạnh cho đến khi dịch bệnh được khống chế. Thời điểm này các vựa nuôi nên đẩy mạnh nuôi cá tra giống.
- Theo lời khuyên từ chuyên gia, thị trường thay thế là Ấn Độ.
Sức mua cá tra từ siêu thị, nhà hàng Trung Quốc yếu ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), 2 tháng đầu năm xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc giảm 50% do gián đoạn và ách tắc trong khâu vận chuyển, kho bãi. Các nhà mua hàng tại Trung Quốc cho hay, hệ thống siêu thị, nhà hàng cũng cắt giảm đơn do người dân hạn chế mua sắm.
VASEP dự báo thị trường Trung Quốc chắc chắn sẽ giảm mạnh cho đến khi dịch bệnh được khống chế. Do đó, các doanh nghiệp Việt nên có những hướng đi và cách thức mới trong chế biến và xuất khẩu cá tra.
Hiệp hội cũng cho rằng, thời điểm này các vựa nuôi nên đẩy mạnh nuôi cá tra giống. Bởi lẽ, quý III và IV/2020 nhu cầu cá nguyên liệu có thể tăng cao khi tình hình dịch ổn định và nhu cầu tiêu thụ của thị trường Trung Quốc sẽ tăng trở lại để đáp ứng xuất ăn cho nhân viên văn phòng cũng như công nhân tại các nhà máy. Tuy nhiên, VASEP vẫn khuyến cáo người nuôi chủ động giảm sản lượng cá tra năm 2020 ở mức 1,2 triệu tấn, giảm khoảng 10% so với năm 2019.
Song song với việc chuẩn bị nguyên liệu, nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam, nên tìm thị trường thay thế là Ấn Độ. Đây là quốc gia dân số đứng thứ 2 sau Trung Quốc, thị trường này khá đặc biệt vì không ăn thịt phổ biến như bò và heo mà chỉ ăn cừu, dê, gà và thủy hải sản.
Theo ước tính, Ấn Độ nuôi khoảng 600.000 tấn cá tra mỗi năm nhưng thịt cá bị vàng và nhà máy chế biến tại quốc gia này chưa sản xuất ra được những sản phẩm cá tra fillet thịt trắng và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm như của Việt Nam. Hiện tại sản phẩm cá tra fillet Việt Nam được xem sản phẩm cao cấp đang được nhập khẩu phục vụ trong các nhà hàng tại Ấn Độ.
Hồng Châu