Hai chỉ số chính tiếp tục xu hướng ngược chiều trong phiên đầu tuần này. Chỉ số VN-Index đóng cửa tăng nhẹ 0,4 điểm hay 0,1% lên 384,32 điểm nhờ sự giúp sức của mã VIC. Trong khi đó, chỉ số HNX-Index lại giảm nhẹ 0,24 điểm hay 0,36% xuống mức 65,78 điểm.
Thanh khoản toàn thị trường xuống mức thấp nhất trong khoảng 3 tuần trở lại đây với gần 15,5 triệu đơn vị được chuyển nhượng thanh công trên sàn HSX tương đương giá trị 230,59 tỷ VND. Giao dịch trên sàn HNX cũng rơi về mức tiêu cực với chỉ gần 15,4 đơn vị được trao tay có tổng giá trị 147,54 tỷ VND.
Hoạt động mua bán trên thị trường rơi vào trạng thái gần như “đóng băng” khi đại đa số nhà đầu tư đều tạm đứng sang một bên đóng vai trò quan sát viên dù tháng 8 này được nhận định sẽ là đỉnh lạm phát trong năm của nền kinh tế Việt Nam.
Toàn thị trường chứng kiến tới 37,5% số mã niêm yết đi ngang trong khi chỉ có 32,5% mã niêm yết tăng giá so với 30% số mã niêm yết ghi nhận mức giảm.
Diễn biến hiện nay của thị trường chứng khoán Việt Nam trái ngược hẳn thời điểm tháng 6. Khi đó, chỉ số CPI được dự báo sẽ bắt đầu hạ nhiệt cũng là thời điểm tâm lý hưng phấn được lan tỏa trong cộng đồng nhà đầu tư, góp sức tạo nên con sóng cuối tháng 5 – đầu tháng 6.
Thị trường chứng khoán đang chờ đợi những tín hiệu rõ rệt hơn từ phía chính sách, thay vì những cam kết được tuyên bố trong thời gian qua. Thời điểm hiện nay của nền kinh tế, khi những yếu tố tiêu cực nhất đã qua đi nhưng khó khăn vẫn hiện hữu, gây ra sự băn khoăn trong hoạt động điều hành chính sách, cụ thể là chính sách tiền tệ. Có thể nói, để có thể điều hành chính sách tiền tệ một cách linh hoạt sẽ là bài toán khó cho các cơ quan quản lý khi lạm phát vẫn rình rập nền kinh tế và có thể tăng tốc bất kỳ khi nào dưới tác động của các yếu tố bên ngoài cũng như sự điều chỉnh thiếu “cảnh giác” của chính sách tiền tệ, như diễn biến chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 vừa qua. Nhưng ở phía ngược lại, chính sách tiền tệ hiện nay đang tác động trực tiếp tới hoạt động của các doanh nghiệp, đặc biệt ở những ngành tăng trưởng dựa vào sự tăng trưởng của nền kinh tế từ hoạt động đầu tư trong giai đoạn qua cũng như những ngành sử dụng nhiều đòn bẩy tài chính trong cơ cấu hoạt động của mình.
Chỉ khi nút thắt chính sách được gỡ, những bế tắc trong biến động của thị trường chứng khoán Việt Nam mới được giải tỏa.