Doanh thu sụt giảm, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ âm
Báo cáo mới nhất từ BCC cho thấy, kết thúc năm 2017, tổng doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ chỉ đạt xấp xỉ 3.475,4 tỷ đồng. So với cuối năm 2016, doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ của BCC đã giảm mạnh tới hơn 800 tỷ đồng, tương đương gần 18,7%. Mặc dù giá vốn cũng ghi nhận giảm, tuy nhiên, do tốc độ giảm chậm hơn so với doanh thu (chỉ giảm khoảng hơn 400 tỷ đồng từ 3.415,6 tỷ đồng của năm 2016 xuống hơn 3.067 tỷ đồng) đã khiến lợi nhuận gộp bán hàng và cung cấp dịch vụ của BCC giảm tới phân nửa, từ 866,75 tỷ đồng xuống gần 408 tỷ đồng.
Cùng với sụt giảm của doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ, năm 2017, BCC cũng ghi nhận sụt giảm mạnh tới hơn 99% ở doanh thu từ hoạt động tài chính khi giảm từ mức hơn 13 tỷ đồng xuống vỏn vẹn còn xấp xỉ 265,5 triệu đồng. Đặc thù của các doanh nghiệp xi măng nói chung và BCC nói riêng là sử dụng nhiều nợ vay bằng đồng EUR, vì thế xu hướng đồng tiền này tăng giá mạnh trong năm 2017 đã khiến cho lợi nhuận từ hoạt động tài chính sau khi điều chỉnh chênh lệch tỷ giá của BCC giảm mạnh.
Ở chiều ngược lại, trong khi doanh thu sụt giảm, năm 2017, BCC vẫn phải chịu áp lực lớn từ chi phí tài chính (trong đó chủ yếu là chi phí lãi vay) cùng với chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp. Mặc dù BCC đã có nỗ lực trong việc cắt giảm các khoản chi phí này trong năm 2017, tuy nhiên do mức giảm chậm hơn (với mức giảm khoảng hơn 95 tỷ đồng từ chi phí bán hàng và 53,5 tỷ đồng từ chi phí quản lý doanh nghiệp) dẫn đến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của BCC sụt giảm từ 321.1 tỷ đồng của năm 2016 xuống vỏn vẹn 5,9 tỷ đồng vào thời điểm cuối năm 2017.
Không những vậy, do phải chịu khoản lợi nhuận khác âm tới hơn 6,8 tỷ đồng đã khiến cho tổng lợi nhuận kế toán trước thuế của BCC âm gần 900 triệu đồng. Đây là lần thứ hai trong vòng 10 năm trở lại đây, Công ty rơi vào tình trạng thua lỗ, sau năm 2013 với mức lỗ gần 28 tỷ đồng. Kết quả này trái ngược hẳn với kỳ vọng đặt ra từ ĐHCĐ 2017 với doanh thu thuần 4.233,569 tỷ đồng và 261,456 tỷ đồng lợi nhuận.
Không chỉ ghi nhận thua lỗ trong năm 2017, báo cáo tài chính của BCC còn cho thấy những vấn đề đáng lo ngại trong cơ cấu tài sản và nguồn vốn, mà nổi cộm là các sự chênh lệch giữa tài sản ngắn hạn và nợ ngắn hạn khá lớn. Nếu trước 2013, BCC vẫn duy trì tỷ lệ thanh toán ngắn hạn (tài sản ngắn hạn/ nợ ngắn hạn) ở mức 0,6 thì từ 2014 trở lại đây, tỷ lệ này đã giảm xuống chỉ còn dưới 0,5. Điều này dẫn đến rủi ro thanh toán và áp lực trả nợ gốc cùng với chi phí lãi vay hàng năm.
Tính đến cuối năm 2017, các khoản vay và nợ thuê tài chính của BCC có xu hướng tăng với 1.468,6 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn và hơn 385,75 tỷ đồng. Trong đó, các khoản vay tập trung chủ yếu tại Ngân hàng Vietinbank, Ngân hàng BIDV và khoản 150 tỷ đồng vay từ Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam.
Không những vậy, do ảnh hưởng của việc thua lỗ và gia tăng các khoản vay và nợ thuê tài chính, khiến cơ cấu của BCC đã chênh lệch, nay càng nghiêng mạnh hơn về phía nợ. Tính đến hết 31/12/2017, nợ phải trả của BCC chiếm tới 62,8% nguồn vốn, với 60,93% tổng nợ là các khoản vay ngắn hạn và dài hạn. Cơ cấu nợ lớn khiến BCC đối mặt với rủi ro thanh toán khi nợ ngắn hạn tới hạn do phần lớn tài sản nằm ở mục tồn kho và phải thu, nhất là khi BCC đang duy trì lượng tiền mặt không phải lớn so với quy mô doanh nghiệp.
Cụ thể, tại thời điểm cuối quý IV/2017, tiền và các khoản tương đương tiền của BCC đã giảm tới hơn 40 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2016, chỉ còn 112,44 tỷ đồng, chiếm 2,32% tổng tài sản, tương đương tỷ suất thanh toán là 4,2%. Điều này có thể gây khó khăn nhất định, BCC cần thanh toán tiền mua hàng hóa, cũng như các khoản vay tới hạn, nhất là khi vay ngắn hạn cũng chiếm 55,28% tổng nợ ngắn hạn.
Nhọc nhằn kế hoạch 2018
Kể từ khi quy định mới về thuế suất tài nguyên được áp dụng đầu năm 2017, toàn ngành xi măng nói chung và BCC nói riêng gặp không ít khó khăn. Kết quả kinh doanh những doanh nghiệp ngành xi măng đang niêm yết, trong đó BCC theo đó cũng suy giảm đáng kể.
Thống kê từ Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng cho thấy, tổng sản lượng sản xuất của các nhà máy xi măng trong nước năm 2017 đạt gần 90 triệu tấn clinker/năm. Tổng sản lượng tiêu thụ đạt 81 triệu tấn, tiêu thụ trong nước đạt hơn 61 triệu tấn, 20 triệu tấn xuất khẩu. Trong khi sản lượng sản xuất xi măng tiếp tục tăng mạnh tới hơn 20 triệu tấn so với cùng kỳ 2016, thì sản lượng tiêu thụ lại tăng khá èo uột khi con số chỉ gần tương đương so với cùng kỳ năm 2016 ở mức 60,3 triệu tấn.
Nguồn cung vượt cầu, trong khi các khoản chi phí đầu vào như năng lượng có xu hướng tăng giá (than tăng 10%, giá điện tăng 6,08%) đã tác động đến hiệu quả sản xuất – kinh doanh của các doanh nghiệp xi măng, đặc biệt là BCC khi đây là doanh nghiệp thuộc nhóm đầu ngành về sản xuất clinker và xi măng.
Chỉ tính riêng năm 2016, BCC đã sản xuất 2.978.489 tấn clinke, đồng thời tiêu thụ 596.406 tấn clinker, 3.888.324 tấn xi măng). Mặc dù đã có những cảnh báo về sản lượng thị trường đang dư thừa, nhưng tại ĐHCĐ 2017 hồi năm ngoái, BCC tiếp tục đặt mục tiêu sản xuất tới 2.980.000 tấn clinker và tiêu thụ 4.490.000 tấn sản phẩm.
Áp lực về cạnh tranh giá khi cung vượt cầu cũng như sự gia tăng xuất khẩu của Trung Quốc vào quý II và III/2017 cùng với hàng rào thuế quan tại nhiều thị trường xuất khẩu sản phẩm xi măng, clinker cũng chính là một trong những nguyên nhân chính khiến cho kết quả kinh doanh của BCC tụt giảm mạnh trong năm 2017 vừa qua.
Bước sang năm 2018, dù dự báo ngành xây dựng tiếp tục đạt tăng trưởng cao, khoảng 9,2%, tuy nhiên, sẽ không phải là dễ dàng cho ngành xi măng trong nước cũng như BCC. Đặc biệt, từ cuối năm 2017, Bộ Xây dựng tiếp tục yêu cầu nâng tỷ lệ sử dụng vật liệu không nung đối với công trình từ 9 tầng trở lên.
Theo đó, trong Thông tư số 13/2017/TT-BXD về quy định sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng phân theo tỉnh, thành phố, vùng miền, các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn nhà nước ngoài ngân sách, vốn vay của doanh nghiệp có vốn nhà nước lớn hơn 30% sử dụng vật liệu xây không nung theo tỷ lệ: TP. Hà Nội và TP.HCM sử dụng 100%; các tỉnh đồng bằng, trung du Bắc Bộ, Đông Nam Bộ sử dụng tối thiểu 90% tại các khu đô thị loại III trở lên, sử dụng tối thiểu 70% tại các khu vực còn lại; các tỉnh còn lại, sử dụng tối thiểu 70% tại các đô thị từ loại III trở lên, sử dụng tối thiểu 50% tại các khu vực còn lại.
Ngoài việc hạn chế bê tông hóa, thời gian vừa qua, nhiều chủ đầu tư cũng mở rộng sử dụng kính xây dựng LowE, hệ thống vách ngăn, tường ngăn bằng thạch cao, gạch vữa từ vật liệu xây không nung. Ngay cả khu vực dân sinh, nhiều thiết kế mới, gần gũi thiên nhiên, sử dụng vật liệu xanh đã dần thay thế những ngôi nhà chủ yếu dùng xi măng.
Khi đó, áp lực tồn kho cao sẽ trở thành gánh nặng không nhỏ lên các doanh nghiệp xi măng, trong đó có BCC. Ðã có thời điểm, lượng tồn kho của các doanh nghiệp xi măng tăng cao, lên tới 45 ngày sản xuất, trong khi đó, lượng tồn kho lý tưởng khoảng 20 đến 25 ngày sản xuất. Tồn kho cao sẽ làm tăng hàng loạt chi phí từ bảo quản, lưu kho đến vận hành hệ thống sản xuất. Câu chuyện của BCC trong năm 2017 cũng phần nào lột tả được câu chuyện này.
Năm 2018, các doanh nghiệp xi măng cũng đã trút được phần gánh lo khi Chính phủ quyết định đưa thuế suất xi măng về 0% và hoàn thuế VAT cho doanh nghiệp xuất khẩu xi măng. Điều này có thể giúp doanh nghiệp xi măng tăng hiệu quả xuất khẩu, trong đó có BCC. Tuy nhiên, thị trường xi măng thế giới cũng cạnh tranh rất khốc liệt, buộc doanh nghiệp các nước phải có chiến lược xuất khẩu thông minh và làm ăn chuyên nghiệp mới mong giữ được khách hàng.