Căn cứ kết luận này, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra-basa của Việt Nam sẽ bị áp dụng mức thuế chống bán phá giá từ 2,39 USD/kg – 7,74 USD/kg cho giai đoạn rà soát nói trên. Đây là các mức thuế rất cao và sẽ có tác động lớn tới xuất khẩu cá tra-basa của Việt Nam sang Hoa Kỳ.
VASEP cho biết, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố kết quả cuối cùng của đợt xem xét hành chính lần thứ 13 (POR13) áp dụng đối với các lô hàng xuất khẩu trong giai đoạn từ 1/8/2015- 31/7/2016. Theo quyết định này mức thuế 3,87USD/Kg được áp dụng cho Công ty Godaco_ Công ty được chọn để xem xét hồ sơ lần này. Do chỉ có một công ty được chọn để xem xét hồ sơ, nên Bộ Thương Mại Mỹ cũng áp dụng mức thuế này cho các doanh nghiệp còn lại.
So với mức 0,69USD/kg của POR12 mức thuế này đã tăng 5,61 lần. Đây là mức thuế cao nhất từ trước đến nay và cao hơn cả mức thuế toàn quốc 2,39USD/kg mà Bộ Thương mại Mỹ áp dụng cho các công ty không được hưởng thuế suất riêng rẽ trong vụ kiện chống bán phá giá cá tra của Việt nam.
“Trải qua 13 kỳ xem xét hành chính trong vụ kiện chống bán phá giá thì đây là lần đầu tiên DOC yêu cầu công ty Gò Đàng thực hiện việc thay đổi cách kê khai hồ sơ có nhiều khác biệt so với các kỳ trước. Công ty đã nộp hồ sơ đúng hạn nhưng Bộ Thương Mại Mỹ đã không xem xét một cách đầy đủ dẫn đến việc áp dụng các yếu tố bất lợi có sẵn khiến cho mức thuế tính cho Công ty tăng cao một cách vô lý”, VASEP nêu.
Bộ Thương Mại Mỹ cũng đã có những điều chỉnh thiếu cơ sở pháp lý khi áp dụng mức thuế suất được tính theo các yếu tố bất lợi có sẵn trở thành mức thuế trung bình cho các công ty có mức thuế suất riêng rẽ không được xem xét hồ sơ, bỏ qua các quy định thông thường khi đưa ra quyết định trong kết quả cuối cùng.
Với cách tính này dẫn đến việc Bộ Thương Mại Hoa Kỳ áp dụng mức thuế cao vô lý khiến các doanh nghiệp có rất ít cơ hội xuất khẩu cá tra fillet vào Mỹ trong thời gian tới vì không thể đáp ứng số tiền ký quỹ quá cao theo mức thuế này.
“Hiệp hội nhận thấy kết quả cuối cùng của đợt xem xét hành chính lần thứ 13 thể hiện sự không công bằng, trái với các quy định về luật chống bán phá giá thông thường đồng thời mang tính áp đặt và vô lý đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Đây có thể nói là một việc chưa có tiền lệ, thể hiện sự áp đặt chủ quan thiếu cơ sở của DOC trong quá trình xem xét”, VASEP cho hay.
Hiệp hội VASEP và các doanh nghiệp phản đối quyết định thiếu công bằng này của DOC và đang xem xét tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết để khiếu kiện lên Tòa Án Thương Mại Quốc Tế Mỹ (CIT) trong thời gian sớm nhất để bảo đảm quyền lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam.
“Chúng tôi yêu cầu DOC phải xem xét một cách kỹ lưỡng các hồ sơ, dữ liệu đầy đủ mà doanh nghiệp Việt Nam đã cung cấp để làm cơ sở tính toán và đưa ra mức thuế chính xác và hợp lý cho các công ty tham gia POR13”, VASEP tuyên bố.
Thực tế chứng minh rằng các doanh nghiệp Việt Nam không bán phá giá cá tra và việc xuất khẩu cá tra Việt Nam vào Mỹ cũng không gây thiệt hại đến ngành công nghiệp cá nheo Mỹ mà trái lại đã tạo ra nhiều công ăn việc làm cho ngành kinh doanh các sản phẩm cá tra Việt Nam tại Mỹ, đồng thời là nguồn cung cấp sản phẩm cá thịt trắng ổn định cho người tiêu dùng Mỹ với chất lượng tốt và giá cả phù hợp.
VASEP khẳng định Mỹ là một đối tác chiến lược của Việt Nam, quan hệ hai nước đã có những bước tiến đáng ghi nhận trong thời gian qua nhằm thúc đẩy tự do thương mại của hai quốc gia. Chúng tôi cho rằng quyết định này của DOC đi ngược lại tiến trình tự do thương mại đồng thời ảnh hưởng tới quan hệ thương mại song phương Hoa Kỳ-Việt Nam.
Trước đó, tháng 9/2017, sau khi Bộ Thương mại Hoa Kỳ công bố kết quả sơ bộ thuế chống bán phá giá lần thứ 13 đối với sản phẩm cá tra phi lê đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam với mức thuế 2,39USD/kg, bằng với mức thuế toàn quốc, đã khiến kim ngạch xuất khẩu cá tra vào Mỹ sụt giảm liên tục. Cụ thể kim ngạch xuất khẩu cá tra vào Mỹ trong năm 2017 giảm 11 % so với cùng kỳ 2016.
Liên quan đến động thái áp thuế của Mỹ, Bộ Công Thương cũng cho rằng mức thuế mà Mỹ đưa ra là không khách quan, mang tính bảo hộ quá mức. Bộ Công Thương đề nghị phía Mỹ xem xét, điều chỉnh lại cách xác định mức thuế đối với các công ty liên quan của Việt Nam trên nguyên tắc khách quan, tuân thủ quy định của WTO, công bằng cho tất cả các bên liên quan.
Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, VASEP và các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra-basa của Việt Nam, thảo luận tất cả các phương án xử lý để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho các doanh nghiệp Việt Nam.