Quy luật “đỉnh lạm phát là đáy chứng khoán” có thể sẽ bị vô hiệu và thị trường lại tiếp tục một chu kỳ dò đáy mới.
Khi đó, lại một lần nữa nhà tạo lập thị trường thành công trong một chiến dịch đánh lên nhằm xả hàng, còn nhà đầu tư nhỏ lẻ lại một lần nữa mắc bẫy vì đánh giá quá sớm về đáy thị trường.
Phép thử lãi suất đối với chỉ số chứng khoán vẫn đang tiếp diễn. Đến cuối tuần qua, đợt tăng của thị trường đã kéo dài được hơn 3 tuần – khoảng thời gian dài hơn đợt tăng gần nhất từ cuối tháng 5 đến giữa tháng 6/2011 (khoảng 3 tuần). Trong khi nhiều công ty chứng khoán vẫn thận trọng trong nhận định, thì Công ty chứng khoán ACB đã khá tự tin đưa ra dự báo về một đợt tăng mạnh của thị trường có thể hình thành từ đây đến cuối năm do dòng tiền tiết kiệm đổ sang TTCK.
Hẳn nhiên nhận định trên, cùng với kỳ vọng của nhiều nhà đầu tư, sẽ có cơ sở nếu như xu hướng chuyển dịch tiền gửi ngân hàng sang chứng khoán được biểu hiện rõ nét hơn. Tuy vậy cho đến nay xu hướng này vẫn hoàn toàn chưa rõ ràng. Chưa có những xác nhận cần thiết về dư luận, trên mặt công luận cũng như từ hoạt động điều tra thị trường về tỷ lệ nhà đầu tư vàng, người gửi tiết kiệm tự nguyện chuyển tiền sang kênh chứng khoán.
Vấn đề cần nêu ra là trong bối cảnh lãi suất đang được kéo giảm nhưng vẫn chưa có xác nhận về dòng tiền chuyển dịch từ ngân hàng sang chứng khoán, đợt tăng vừa qua của thị trường xuất phát từ nguồn vốn nào? Rõ ràng đây là nguồn vốn của các tổ chức lớn, những người điều khiển thị trường, chứ không phải từ các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Dòng vốn của tổ chức còn đi trước cả dấu hiệu đầu tiên về xu hướng giảm lãi suất, cho thấy sự khởi đầu của đợt tăng chứng khoán đã không được đóng góp bởi dòng vốn nhỏ lẻ.
Còn trong quá trình tăng điểm của thị trường, dòng vốn nhỏ lẻ tham gia chỉ xuất phát từ vốn nằm im trước đó trong tài khoản nhà đầu tư nhỏ lẻ (có thời điểm trước đây tỷ lệ vốn “chết” lên đến gần 80%), chứ cũng chưa xuất hiện dòng vốn tiết kiệm từ ngân hàng chuyển qua.
Kỳ vọng của nhà đầu tư và Công ty chứng khoán ACB cũng sẽ có cơ sở hơn nếu như đợt tăng vừa qua của thị trường tuân theo quy luật vận động tự nhiên. Nhưng ngược lại, sóng tăng được tổ chức một cách hoàn toàn khiên cưỡng, giống hệt những đợt đánh lên gần đây nhất vào tháng 8/2010, tháng 11/2010 và tháng 5/2011.
Với nhiều nhà đầu tư, kinh nghiệm và cũng là bài học đắt giá mà họ tích lũy được là chỉ khi nào thị trường diễn biến theo lẽ tự nhiên của nó thì mới hy vọng bền vững, còn nếu thị trường vẫn bị thao túng bởi những bàn tay vô hình nào đó thì cho dù có tăng điểm mạnh chăng nữa, độ rủi ro vẫn rất cao.
Những phiên giao dịch của thị trường trong đợt tăng vừa qua là hoàn toàn khó đoán định. Cách tăng giật cục với dòng vốn đầu cơ chạy vòng vòng từ nhóm cổ phiếu này sang nhóm cổ phiếu khác, đặc biệt là sự tái hiện vai trò của một số cổ phiếu có vốn hóa siêu lớn như VIC, MSN, BVH và cả VPL làm cho chỉ số VNI tăng điểm khống, đã không thể khiến cho nhà đầu tư có được cảm giác an toàn.
Tính đến cuối tuần qua, trong khi chỉ số HNX đã tăng được khoảng 18,5% thì chỉ số VNI đã tăng vượt HNX. Trong lịch sử, mối tương quan giữa độ tăng của hai chỉ số này là một chỉ dấu quan trọng về đáy và đỉnh của các con sóng. Vào tháng 11/2010, VNI tăng 15% trong khi HNX tăng được 25%, cho thấy một sự hợp lý tương đối với cách tăng thực chất, mặt bằng giá cổ phiếu được nâng lên thực chất chứ không phải do đánh khống.
Nhưng trong đợt tăng này, mặc dù nhiều cổ phiếu cũng đã tăng giá khá mạnh đến 30-50%, nhưng vài phiên gần đây đã có dấu hiệu thị trường đuối sức, hay nói cách khác là dường như nhà điều khiển thị trường không còn quá nhiệt tình duy trì thế đánh lên nữa. Vì thế một số bluechip bắt đầu có dấu hiệu điều chỉnh.
Tình cảnh của thị trường hiện thời phụ thuộc hoàn toàn vào bàn tay của nhà tạo lập. Thị trường sẽ còn tăng cho tới khi nào nhà tạo lập tiếp tục giải ngân. Nhưng không ai biết thời điểm đó sẽ kết thúc vào lúc nào. Do vậy, đợt tăng này vẫn hoàn toàn không có cơ sở bền vững, trong khi lại hàm chứa độ rủi ro lớn đối với khá nhiều cổ phiếu đã tăng mạnh.
Tất nhiên, các tổ chức lớn vẫn có thể đổ tiền để nâng đỡ thị trường như một động tác hồi phục niềm tin vốn đã bị giảm sút quá nhiều của nhà đầu tư trong thời gian trước đây, tạo tiền đề cho một đợt hồi phục dài hơi hơn về sau này, khi nhà đầu tư nhỏ lẻ và cả những người gửi tiền tiết kiệm tự nguyện dồn tiền sang kênh chứng khoán.
Nhưng những dấu hiệu về đà tăng vượt trội của VNI so với HNX, kịch bản nhảy múa tái hiện của nhóm cổ phiếu siêu lớn cùng với mức thanh khoản tăng trung bình 1.000 tỷ đồng trong 8 phiên gần đây đã phát ra tín hiệu vùng đỉnh đang được hình thành của thị trường.
Nếu quả thực nhà tạo lập thị trường sắp dừng bước và vùng đỉnh thị trường đang hình thành, động cơ thoát hàng của tổ chức lớn trong đợt đánh lên vừa qua sẽ được chứng minh. Khi đó, lại một lần nữa nhà tạo lập thị trường thành công trong một chiến dịch đánh lên nhằm xả hàng, còn nhà đầu tư nhỏ lẻ lại một lần nữa mắc bẫy vì đánh giá quá sớm về đáy thị trường.
Trong tuần này, nhiều khả năng hai chỉ số chứng khoán VNI và HNX sẽ diễn ra sự chênh biệt lớn hơn với đà tăng tiếp của VNI cùng thế đi ngang của HNX. Tuy nhiên cần lưu ý là đợt tăng của thị trường sắp kéo dài tròn một tháng – một khoảng thời gian tương tự như con sóng tăng vào tháng 4/2010. Nếu thực sự chỉ số chứng khoán tạo đỉnh hay vùng đỉnh trong tuần này, sau đó thị trường sẽ bước vào giai đoạn suy giảm.
Cũng khi đó, phép thử về lãi suất đối với chứng khoán sẽ kết thúc mà chưa mang lại dấu hiệu khả quan nào. Quy luật “đỉnh lạm phát là đáy chứng khoán” có thể sẽ bị vô hiệu và thị trường lại tiếp tục một chu kỳ dò đáy mới.