Như vây, sau Gỗ Trường Thành (TTF) với khoản lỗ 6 tháng đầu năm lên tới 561 tỷ đồng – đứng đầu danh sách lỗ trong nửa đầu năm 2018, “Vua cá” một thời Hùng Vương (HVG) đứng ở vị trí thứ 2 với mức lỗ 347 tỷ đồng – số liệu tính cho 3 quý đầu của niên độ tài chính bắt đầu từ 1/10/2017. Nếu chỉ tính riêng cho giai đoạn 1/1-30/6 thì mức lỗ thậm chí lớn hơn, vào khoảng 370 tỷ đồng.
Nguồn: BCTC quý 3 niên độ 2017-2018 của HVG.
Theo BCTC hợp nhất quý 3 niên độ 2017-2018 (01/10/2017-30/09/2018), HVG đạt mức doanh thu thuần 1,452 tỷ đồng, giảm 59% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, lãi gộp giảm 82% so với cùng kỳ xuống mức 61 tỷ đồng. Biên lãi gộp cũng giảm mạnh từ mức 9.8% cùng kỳ xuống còn hơn 4%.
Doanh thu hoạt động tài chính của HVG tăng 384% so với cùng kỳ, đạt 134.3 tỷ đồng. Mặt khác, chi phí tài chính giảm mạnh 58% so với cùng kỳ, ở mức 66.8 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu niên độ, doanh thu thuần của HVG đạt 6,444 tỷ đồng, giảm 48% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Công ty ghi nhận doanh thu từ nhiều mảng sụt giảm mạnh: doanh thu từ thủy sản giảm hơn 70% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu từ nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi giảm 78% so với cùng kỳ và phụ phẩm chế biến giảm hơn 90% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, Công ty ghi nhận 354.7 tỷ đồng doanh thu từ kinh doanh bất động sản, trong khi cùng kỳ không ghi nhận doanh thu từ hoạt động này.
Giai đoạn 9 tháng này, hoạt động tài chính cũng mang về hơn 274.5 tỷ đồng doanh thu, chủ yếu nhờ khoản lãi thanh lý đầu tư vào công ty con. Chi phí tài chính giảm 35% xuống 303 tỷ đồng do chi phí lãi vay giảm, đồng thời không ghi nhận lợi thế thương mại cũng như lỗ chênh lệch tỷ giá cuối kỳ như năm trước.
Mặc dù giảm so với cùng kỳ, HVG vẫn ghi nhận tổng chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp ở mức gần 400 tỷ đồng. Kết quả là 9 tháng đầu niên độ, HVG báo lỗ ròng hơn 347 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ lỗ 138 tỷ đồng. Với kết quả này, lỗ lũy kế của Công ty được nâng lên trên 645 tỷ đồng.
Năm 2018, Công ty đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế 100 tỷ đồng. Với kết quả lỗ lũy kế này, khả năng cao HVG sẽ không thể hoàn thành được kế hoạch lợi nhuận của năm.
Tại thời điểm 30/06/2018, tổng tài sản của HVG đạt 8,270 tỷ đồng, giảm hơn 40% so với đầu niên độ. Nợ phải trả giảm 43%, ở mức 6,158 tỷ đồng. Đáng chú ý, nợ vay của Công ty được cắt giảm mạnh so với đầu đầu năm. Cụ thể, vay nợ ngắn hạn giảm phân nửa từ 7,069.7 tỷ đồng xuống còn 3,350.6 tỷ đồng; vay nợ dài hạn giảm từ 671 tỷ đồng xuống còn 335.3 tỷ đồng.
5 năm trước, Hùng Vương vẫn là doanh nghiệp có tài sản khủng và luôn nằm trong tốp những doanh nghiệp lớn mạnh nhất sàn chứng khoán. Tuy nhiên với chiến lược đa ngành, hiện “vua cá tra” một thời đã bật khỏi tốp đầu, lận đận với những khoản nợ khổng lồ và dòng tiền nhỏ giọt.
Thời điểm 2010, để cụ thể hóa tham vọng thống nhất ngành thủy sản, HVG đã mua lại hàng loạt công ty cùng ngành. Chiến lược này giúp công ty tăng doanh thu từ 4.700 tỷ đồng (năm 2010) lên hơn 15.000 tỷ đồng vào năm 2014. Nhưng sau một quá trình kinh doanh, “đế chế” này đã có dấu hiệu chững lại và kinh doanh sụt giảm liên tiếp. Cổ phiếu của doanh nghiệp đã xuống vùng giá thấp nhất trong gần một thập niên qua, ở quanh mức 5.000 đồng/cổ phiếu.
Chủ tịch HĐQT HVG Dương Ngọc Minh từng chia sẻ, ban lãnh đạo đã mất ăn mất ngủ với tình trạng hiện nay của công ty và ông cảm thấy xấu hổ khi không hoàn thành các cam kết với cổ đông và từng nghĩ đến chuyện trong trường hợp xấu nhất sẽ bán toàn bộ tài sản để tất toán hết nợ nần và để có nguồn tiền trả lại cho cổ đông.