Nửa đầu năm 2018, trong danh sách 87 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, Nhật Bản đứng đầu với quy mô 6,47 tỷ USD (31,8% tổng vốn đầu tư). Sự vươn lên này thực tế bắt đầu từ cuối năm ngoái khi giai đoạn tháng 6-12, Nhật Bản đã soán ngôi Hàn Quốc dẫn đầu trong bảng tổng kết của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
Những con số này có lẽ đã hiện thực hoá kết quả cuộc khảo sát được Nikkei Asian Review công bố năm 2016 khi hơn 53% doanh nghiệp Nhật được hỏi nêu tên Việt Nam trong kế hoạch đầu tư những năm tiếp theo. Đó là lần đầu tiên tỷ lệ này vượt quá con số 50%.
Tỷ trọng vốn FDI của những đối tác đầu tư vào ViệtNam6 tháng đầu năm 2018Nhật BảnHàn QuốcSingaporeBritish Virgin IslandsHong KongTrung QuốcThái LanHà LanĐài LoanMỹKhácNhật Bản● Tổng vốn đăng ký: 6 466
Khác với dòng vốn từ một số nhà đầu tư nước ngoài chỉ trọng tâm vào một lĩnh vực cụ thể, sự hiện diện của các nhà đầu tư từ “xứ sở mặt trời mọc” được trải dài từ nông nghiệp, tiêu dùng, sản xuất, tài chính, cho tới bất động sản, với quy mô đầu tư từ vài chục triệu USD cho tới hàng tỷ USD.
Chỉ trong gần hai tháng, Tập đoàn Sojitz của Nhật Bản đã liên tục xuất hiện tại hai doanh nghiệp Việt. Kinh doanh đa ngành với gần 400 công ty con và liên kết, Sojitz được nhắc trong tờ trình xin ý kiến cổ đông về kế hoạch phát hành riêng lẻ của PAN Group.
Nếu kế hoạch này được các cổ đông của PAN thông qua, Sojitz sẽ trở thành cổ đông lớn với sở hữu gần 15 triệu cổ phần, tương đương 11% vốn điều lệ. Nhờ đó, doanh nghiệp Việt sẽ có thêm cổ đông chiến lược và nguồn lực để đầu tư, tăng tỷ lệ sở hữu tại các công ty thành viên, và thực hiện các dự án M&A trong nông nghiệp, nguyên liệu và thực phẩm dinh dưỡng, thực phẩm đóng gói, đồ uống.Trước đó, PAN đã liên tục mở rộng để đạt quy mô tổng tài sản khoảng 250 triệu USD (tính đến hết năm 2017) chủ yếu thông qua chiến lược này.
Trước PAN Group, chính Sojitz cũng đã chi ra gần 2.000 tỷ đồng (hơn 91 triệu USD) để mua lại 95% cổ phần của Giấy Sài Gòn – doanh nghiệp sản xuất giấy nội địa lớn nhất Việt Nam. Đây cũng là một lĩnh vực được nhà đầu tư Nhật quan tâm khi hai đối thủ cạnh tranh với Giấy Sài Gòn là VinaKraft và JP Corelex cũng đều có vốn lớn được góp từ quốc gia Đông Á này.
Trên thị trường bất động sản, những nhà đầu tư từ Nhật cũng không hề kém cạnh. Nguyên nhân chính giúp dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam trong nửa đầu năm 2018 không giảm so với năm trước là siêu dự án thành phố thông minh tại Đông Anh, Hà Nội. Đây là dự án có tổng vốn hơn 4 tỷ USD do đại diện Nhật Bản đầu tư với mục tiêu xây dựng khu đô thị thông minh, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.
Giữa tháng 7, một doanh nghiệp khác của Nhật Bản là Nishi Nippon Railroad cũng công bố kế hoạch đầu tư vào dự án 355 ha tại Bến Lức (Long An) cùng với Nam Long, TBS Group và Công ty TNHH Đầu tư Tân Hiệp. Các nhà đầu tư này sẽ cùng góp vốn theo tỷ lệ dự kiến tương ứng 35-50-10% và 5% để cùng thực hiện giai đoạn đầu tiên của khu đô thị với tổng vốn đầu tư 6.900 tỷ đồng. Sự xuất hiện của Nishi Nippon Railroad với tỷ lệ vốn góp vượt trội (35%) so với các đối tác trong nước là điều khá bất ngờ khi đó bởi vị trí của dự án này không thuộc khu vực trung tâm – một yếu tố không mấy thuận lợi khi nhà đầu tư nước ngoài chọn dự án.
Trước đó, cuối quý I, Công ty bất động sản Nomura có trụ sở tại Shinjuku (Tokyo) cũng công bố mua 24% cổ phần cao ốc Sun Wah Tower ngay trung tâm quận 1, TP HCM. Cao ốc văn phòng hạng A với 22 tầng nổi và tổng diện tích sử dụng 20.800 m2, cũng là dự án đầu tiên Nomura rót vốn đầu tư tại khu vực châu Á Thái Bình Dương.
Môt “gã khổng lồ” khác của Nhật Bản là JX Nippon Oil & Energy (JX) cũng đã hiện diện tại Việt Nam cách đây hơn hai năm. Giữa năm 2016, để có được 8% cổ phần của Petrolimex, nhà đầu tư chiến lược này đã bỏ ra khoảng 20 tỷ Yen (khoảng 183 triệu USD). Đây cũng là một trong những thương vụ đầu tư lớn nhất năm 2016 tại Việt Nam.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, nhà đầu tư từ Nhật Bản, vốn được đánh gia là chuyên nghiệp, tỉ mỉ và cẩn trọng, đang ưu ái hơn cho Việt Nam – một quốc gia Đông Nam Á trên đà phát triển. Nhưng trong một bức tranh rộng hơn, việc trở thành đối tác với những tập đoàn lớn của Nhật Bản không chỉ dừng ở những con số đầu tư, mà còn trở thành một “chứng nhận” khi đi ra thế giới.
Như với kế hoạch cùng Sojitz, Chủ tịch PAN Group ông Nguyễn Duy Hưng cho biết, là đối tác của Nhật vừa là áp lực, nhưng cũng đồng thời mở ra cho doanh nghiệp nội những cơ hội phát triển mới.
Trong khi đó, ông Toru Shigemizu – Giám đốc điều hành, Phó giám đốc khối kinh doanh nhà ở của Nishi Nippon Railroad cũng nói, lý do chính doanh nghiệp của ông liên tục góp vốn và triển khai 5 dự án bất động sản tại Việt Nam là tin tưởng vào tiềm năng thị trường cũng như cách thức hợp tác và thực hiện cam kết của đối tác nội. Vị này khẳng định, việc hợp tác sẽ không chỉ dừng lại về vốn mà đôi bên còn có thể đồng hành trong trao đổi các kinh nghiệm phát triển bất động sản, cách quản lý để tạo ra giá trị gia tăng cho kinh tế Việt Nam.