Lan tỏa tích cực
Trong một thông điệp gửi tới nhà đầu tư, ông Andy Ho, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Quản lý Quỹ VinaCapital đã phân tích khá kỹ về tác động của những thương vụ thoái vốn, đấu giá cổ phần lần đầu (IPO) lớn gần đây: “Việt Nam đã tiến một bước dài trên thị trường vốn, khi Chính phủ bán thành công 54% cổ phần Sabeco thu về 4,85 tỷ USD. Với mức giá 320.000 đồng/cổ phần, Saceco đạt vốn hóa 9 tỷ USD, cổ phiếu được giao dịch ở mức P/E 46 lần. Ngoài ra, có thể kể đến các thương vụ hút vốn thành công của những doanh nghiệp tư nhân lớn như Vincom Retail và Vietjet Air”.
Những thương vụ như vậy khiến cho thị trường vốn Việt Nam gia tăng sức hấp dẫn với nhà đầu tư trên thế giới, được chú ý và tạo ra kỳ vọng dòng chảy vốn ngoại sẽ tiếp tục sôi động hơn. Vốn gián tiếp vào Việt Nam đã đạt gần 5,5 tỷ USD trong năm 2017. Vào nửa cuối năm 2017, VinaCapital đã chứng kiến khá nhiều giao dịch có yếu tố ngoại, mà ở đó nhà đầu tư chấp nhận mặt bằng giá cao hơn, đẩy P/E của toàn thị trường Việt Nam tiệm cận khu vực, lên mức 18 -19 lần.
Nhưng tác động lan tỏa tích cực của nó, theo phân tích của các nhà đầu tư tổ chức, thể hiện rõ ở giá trị đồng nội tệ Việt Nam. VinaCapital cho biết, họ không ngờ VND đạt được độ ổn định như vậy vào cuối năm 2017, một mức độ chắc chắn còn hơn cả dự đoán, bên cạnh đó là dự trữ ngoại hối tăng kỷ lục và lãi suất trái phiếu thấp. Lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm chỉ còn quanh 5%/năm trong bối cảnh lãi suất của Mỹ tăng 25 điểm phần trăm. Đó là điểm khác biệt so với trước đây.
Giới đầu tư cũng cho rằng, những chuyển biến trên sẽ rất tốt cho thị trường nợ và sẽ nhanh chóng có tác động tích cực tới việc xử lý nợ xấu ở khu vực ngân hàng.
Nhằm gọi thêm vốn ngoại, mới đây, VinaCapital và Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng đã tổ chức sự kiện xúc tiến đầu tư tại London, Anh với sự có mặt của các doanh nghiệp Việt Nam ở hàng chất lượng nhất của nền kinh tế như Coteccons, FPT Retail, HDBank, PNJ, Eximbank, VietJet…
Luân chuyển sôi động
Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) vừa công bố khoản đầu tư hơn 370 triệu USD (tương đương khoảng 8.400 tỷ đồng) từ hai nhà đầu tư pháp nhân độc lập được quản lý bởi Warburg Pincus, công ty quản lý quỹ đầu tư vào vốn cổ phần tư nhân hàng đầu thế giới chuyên đầu tư vào các công ty có tiềm năng tăng trưởng dài hạn.
Giao dịch này sẽ cung cấp vốn giúp Techcombank hiện thực hóa những mục tiêu tăng trưởng kỳ vọng và tiếp tục củng cố vị trí ngân hàng hàng đầu tại Việt Nam, đồng thời nâng tổng số cam kết đầu tư của các công ty do Warburg Pincus quản lý tại Việt Nam lên trên 1 tỷ USD.
Ông Jeffrey Perlman, Giám đốc điều hành khu vực Đông Nam Á của Warburg Pincus cho rằng, Việt Nam là một trong những nước có thị trường ngân hàng tăng trưởng nhanh nhất ở Đông Nam Á và Techcombank đang hội tụ đầy đủ những điều kiện tốt nhất để bỏ vốn. Với con mắt tinh đời, Warburg Pincus đã thu lợi lớn tại Việt Nam. Cuối năm 2017, họ đã chốt lời một phần khoản đầu tư vào Vincom Retail sau gần 5 năm nắm giữ, thu về gần 10.600 tỷ đồng
Những giao dịch như vậy đã giải tỏa nhiều câu hỏi của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán về độ hấp dẫn của các nhà băng Việt Nam khi nửa đầu năm 2017, thị trường chứng kiến hàng loạt động thái rút vốn của HSBC, Standard Chartered Bank, ANZ…
Theo giải thích của tổng giám đốc một ngân hàng có nhà đầu tư ngoại rút vốn, bên cạnh ảnh hưởng từ chiến lược của ngân hàng mẹ, có một điểm chung khiến các ngân hàng ngoại thoái vốn tại Việt Nam là theo điều luật của Basel II và Basel III, khi bỏ vốn vào các tổ chức tín dụng ở nước ngoài, những ngân hàng này sẽ phải trích một khoản dự phòng và duy trì cố định trong suốt thời gian nắm giữ cổ phần.
Như vậy, nguyên nhân rút vốn không hẳn do chất lượng hoạt động của các nhà băng Việt Nam kém đi, mà do ảnh hưởng khách quan bởi các quy định mới trong ngành tài chính toàn cầu. Nhà đầu tư cũ ra đi, những gương mặt mới xuất hiện, chấp nhận một mức định giá cao hơn đã thể hiện khá rõ sự tích cực.
Một chuyển động nữa của khối ngoại trên thị trường vốn trong nước thời gian gần đây là những nhà đầu tư có nhiều năm kinh nghiệm đang thực hiện nhiều đợt thoái vốn, chốt lãi ở các blue-chip để tìm kiếm cơ hội bỏ vốn ở các doanh nghiệp trẻ, có tốc độ và tiềm năng tăng trưởng cao hơn.
Chẳng hạn như Dragon Capital “xả hàng” tại FPT, Đất Xanh, Ngân hàng MB, Dược Hậu Giang, Thế giới di động, CII, Viglacera, PC1, Hoa Sen… để bỏ vốn vào các doanh nghiệp như Hải Phát Invest, CEN Land. Hay VinaCapital thoái vốn tại Địa ốc Khang Điền để bỏ vốn vào Lọc hóa dầu Bình Sơn, Tổng công ty Điện lực Dầu khí…
Giao dịch tại MWG cũng khá sôi động với các đợt chuyển nhượng của những quỹ đầu tư nước ngoài. Bên cạnh việc rút lui của CDH Electric Bee, Mekong Capital và một số quỹ ngoại khác, MWG bắt đầu lộ diện những nhà đầu tư khác tham gia như Viola Ltd, KB Vietnam Focus Balanced Fund, Aberdeen Frontier Markets Investment Company Limited và Florida Retirement System, Dempsey Hill Asia Fund, Morgan Stanley, Vietnam Holding, Alstonia Costata SDN. BHD, Umbrella Fund Public Limited Company và Oaks Emerging Umbrella Fund Public Limited Company…
Thị trường vốn được nhìn nhận sẽ tiếp tục sôi động. “Hiện vốn hóa của thị trường chứng khoán Việt Nam ở mức trên 145 tỷ USD, chiếm khoảng 65% tổng GDP. Chúng tôi dự đoán, sẽ tiếp tục có nhiều doanh nghiệp tốt được Chính phủ thoái vốn trong năm 2018, ngoài ra còn có nhiều đợt IPO của các doanh nghiệp tư nhân có quy mô lớn. Chúng sẽ góp phần gia tăng vốn hóa của thị trường lên mức 100% GPD trong năm 2018”, ông Andy Ho nhận định.