Sức hút từ lợi suất cao
Trung tuần tháng 2/2018, Warburg Pincus hợp tác với Becammex IDC thành lập Công ty cổ phần Phát triển công nghiệp BW (BWID) với tham vọng trở thành nhà phát triển bất động sản khu công nghiệp và logistics lớn nhất cả nước.
Theo đó, Warburg Pincus sẽ đầu tư 200 triệu USD vào BWID để phát triển các dịch vụ logistics và bất động sản khu công nghiệp hiện đại trên khắp Việt Nam.
BWID dự kiến tổng tài sản của Công ty có thể tăng lên 2 tỷ USD sau 5 năm hoạt động và mở rộng mạng lưới phát triển bất động sản công nghiệp tại Việt Nam, đứng đầu cả nước về cho thuê mặt bằng kho, bãi.
Savills Việt Nam nhận định, cơ hội là rộng mở cho các nhà đầu tư quan tâm đến thị trường bất động sản công nghiệp tại Việt Nam. Đơn cử, đầu năm 2018, thị trường chứng kiến giao dịch bán và cho thuê lại tại VSIP (Công ty liên doanh trách nhiệm hữu hạn Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore) với mức sinh lợi 10,7%.
Ông Troy Griffiths, Phó giám đốc điều hành Savills Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh thị trường vốn đang ngày càng khan hiếm, những thương vụ mang tính bước ngoặt như VSIP là rất quan trọng.
Nếu so với mức sinh lời trung bình của thị trường cho thuê văn phòng là 5-6%, thì lợi suất của cho thuê bất động sản công nghiệp cao hơn và hấp dẫn hơn.
Cơ hội để cải thiện cơ sở hạ tầng
Năm 2017, Việt Nam thu hút được 35,6 tỷ USD vốn FDI, tăng 44,4% so với năm trước, trong đó Nhật Bản đóng góp nhiều nhất với 9,11 tỷ USD.
Ông Troy Griffiths cho biết, hiện tại, một lượng lớn vốn từ các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan… tiếp tục đổ vào Việt Nam, trong khi giới đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất đang nắm giữ khối tài sản lớn bằng bất động sản. Theo vị này, đây sẽ là cơ hội cho các nhà đầu tư bất động sản trong thời gian tới.
Việt Nam đang trong xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế thị trường giá rẻ và đặt mục tiêu tăng trưởng trong các lĩnh vực sản xuất công nghệ cao, năng lượng tái tạo và các dự án thành phố thông minh.
Tuy nhiên, việc đầu tư vào lĩnh vực sản xuất – kinh doanh, hướng dòng tiền vào việc tạo ra giá trị gia tăng là một bài toán lớn, cần sự phối hợp từ nhiều phía.
Cùng với đó, xu hướng chuyển dịch nhà máy, công xưởng ra khỏi Trung Quốc đang diễn ra mạnh mẽ, trong khi Việt Nam đang là một trong những quốc gia hấp dẫn giới đầu tư.
Chi phí sản xuất tại Việt Nam hiện ở mức dưới 1 USD/giờ, thấp nhất trong ASEAN và thấp hơn Trung Quốc. Tại Trung Quốc, chi phí giá đất đang tăng cao và tập trung lắp ráp sản phẩm công nghệ cao là chính.
Ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc JLL Việt Nam cho biết: “Kinh tế Việt Nam tiếp tục thể hiện mức tăng trưởng tốt để thu hút đầu tư từ nước ngoài.
Thị trường bất động sản Việt Nam có nhiều triển vọng khi sức cầu đang gia tăng, tăng trưởng chi tiêu bán lẻ của người tiêu dùng và dân số đô thị được mở rộng và nhân khẩu học trẻ”.
Theo báo cáo Chỉ số minh bạch bất động sản toàn cầu tại Đông Nam Á mà JLL vừa công bố, thị trường bất động sản Việt Nam là một trong những thị trường có mức tăng trưởng ấn tượng nhất khu vực.
Đáng chú ý, Việt Nam đã ở ngưỡng quá độ lên nhóm “bán minh bạch”, hội tụ đủ điều kiện tiềm năng cho sự phát triền bền vững trong tương lai.
Đặc biệt, lĩnh vực bất động sản công nghiệp là một trong số ít ngành có khách thuê sẵn sàng trả cao hơn giá thị trường và sẽ càng trở nên hấp dẫn hơn nếu có vị trí đắc địa, hay nằm trong các khu công nghiệp có chất lượng quản lý tốt.
Ông Alex Crane, Giám đốc điều hành Cushman & Wakefield Việt Nam nhận định, hiện nay, tại Việt Nam, số dự án đáp ứng các nhu cầu về quản lý, vị trí còn quá ít nên phân khúc bất động sản công nghiệp đang đứng trước cơ hội rất lớn để nâng cao tiêu chuẩn và mang đến giải pháp hoàn hảo cho khách thuê, nhà sản xuất. Đây cũng là những mục tiêu mà Warburg Pincus hướng đến khi quyết định đầu tư tại Việt Nam.
Một trong những điểm thuận lợi góp phần thúc đẩy phát triển bất động sản công nghiệp tại Việt Nam là Chính phủ đặt nhiều quan tâm đến thị trường logistic và rót vốn đầu tư nhiều vào hạ tầng cơ sở.
Theo ông Troy Griffiths, những nhà cung cấp dịch vụ logistics thuê ngoài quốc tế (3PL) đang đầu tư tích cực vào thị trường Việt Nam và sẽ thúc đẩy nhu cầu phát triển cơ sở vật chất hiện đại hơn.
Bên cạnh đó, sự bùng nổ của thương mại điện tử, đồng nghĩa với việc vận chuyển hàng hóa “cuối cùng” có tiềm năng lớn và nhu cầu sẽ tăng theo nhằm đáp ứng lượng kho bãi tập trung tại ranh giới các khu trung tâm thương mại (CBD) và gần các trục đường chính của thành phố.