“Thị trường sẽ tự điều chỉnh và cân bằng lại cung – cầu trong thời gian ngắn”
Ông trịnh duy viết, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Đông Á
Chứng khoán là một kênh đầu tư rất nhạy cảm với các biến động của tỷ giá và lãi suất.
Tuy nhiên, với tình hình vĩ mô Việt Nam hiện tại đang ổn định, tỷ giá có biến động cũng sẽ nằm trong biên độ cho phép và việc này sẽ không gây tác động quá lớn đến dòng vốn nước ngoài vào thị trường chứng khoán trong nước.
Với kế hoạch tăng lãi suất tiếp theo của Fed, Việt Nam cũng cần có những biện pháp ứng phó, chẳng hạn như tăng lãi suất hoặc tạo mặt bằng tỷ giá mới để cân bằng lại trạng thái. Do đó, tôi cho rằng, tỷ giá sẽ tăng nhẹ trong biên độ cho phép để thiết lập mặt bằng mới sau thời gian này, giúp giảm áp lực trước việc dịch chuyển dòng vốn ngoại.
Về vấn đề bán ròng của khối ngoại, thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng trưởng rất nhanh trong 3 tháng đầu năm và được xếp vào nhóm thị trường tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Do đó, nhà đầu tư nước ngoài cũng cần phải cơ cấu lại danh mục, hay nói cách khác là “chốt lời”.
Thực tế, nhà đầu tư ngoại thực hiện bán ròng từ đầu tháng 2/2018, ngay khi tỷ giá vẫn còn đang rất ổn định. Mặc dù khối ngoại bán ròng, nhưng chưa có số liệu cho thấy dòng tiền rút ra khỏi Việt Nam. Hơn nữa, trong cùng thời gian này, lệnh mua lớn từ nhà đầu tư nước ngoài vào các cổ phiếu mới niêm yết, sự dịch chuyển cơ cấu đầu tư có thể là một trong những nguyên nhân của việc bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài.
Cần nói thêm, triển vọng kinh tế toàn cầu đang đứng trước những thách thức rất lớn, tăng trưởng toàn cầu đang bị đe dọa bởi các vấn đề như các đợt tăng lãi suất của Fed, chính sách bảo hộ mậu dịch của các quốc gia và sự bất ổn chính trị ở một vài khu vực gia tăng… Do đó, nhà đầu tư nước ngoài cũng nhìn nhận thị trường chứng khoán sẽ gặp khó và có thể dịch chuyển một phần dòng tiền qua kênh đầu tư khác an toàn hơn, hoặc ít nhất là chờ đợi giá cả phản ánh hợp lý hơn.
Trong bối cảnh này, nhà đầu tư cần tỉnh táo lựa chọn những cổ phiếu có nền tảng doanh nghiệp tốt thuộc những ngành nghề ít chịu tác động của lãi suất và tỷ giá.
Cũng không cần quá lo lắng về vấn đề rút vốn của khối ngoại vì bản chất thị trường sẽ tự điều chỉnh và cân bằng lại cung – cầu trong thời gian ngắn. Lúc đó, có thể lựa chọn cho mình một danh mục để tận dụng đà tăng trưởng nội tại của doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam.
“Tỷ giá không đáng quan ngại với thị trường chứng khoán việt nam”
Ông Ngô Phụng Hiệp, Giám đốc Khối Nguồn vốn và đầu tư, Công ty Chứng khoán ACBS
Quyết định tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vào trung tuần tháng 6 đã đánh dấu lần tăng lãi suất thứ hai trong năm của Fed và theo nhiều dự báo thì từ nay đến cuối năm sẽ có thêm ít nhất 1 lần tăng nữa.
Một trong những hệ quả của việc tăng lãi suất này là làm cho USD trở nên mạnh hơn tương đối so với các đồng tiền khác, thể hiện qua chỉ số USD Index của Bloomberg đã tăng gần 3% tính từ đầu năm đến nay.
Đặt trong bối cảnh trên, tỷ giá USD/VND đã điều chỉnh tương đối, tăng khoảng gần 200 đồng/USD, tương đương mức tăng khoảng 0,82% nếu tính từ đầu năm, theo thống kê của Bloomberg. Thống kê cũng cho thấy, so với các đồng tiền trên thế giới, giá trị đồng nội tệ của Việt Nam khá ổn định. Rất nhiều thị trường mới nổi như Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil, hay Nga… đã mất giá rất mạnh, từ 10 – 25% so với USD tính từ đầu năm đến nay.
Tôi tin rằng, trong thời gian sắp tới, nhiều khả năng thị trường ngoại hối sẽ tiếp tục ổn định. Theo đó, trong ngắn hạn, tỷ giá sẽ có những dao động theo diễn biến của chỉ số USD Index cùng các thông tin kinh tế vĩ mô Việt Nam và trên thế giới. Tuy nhiên, nhìn xa hơn, từ nay đến cuối năm, nhiều khả năng tỷ giá sẽ tăng tối đa khoảng 1%, giống như những gì đã diễn ra trong 6 tháng đầu năm.
Có hai căn cứ chính cho nhận định này. Thứ nhất, mặc dù khả năng cao là Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất và tạo áp lực tăng giá lên USD, nhưng đồng thời USD cũng chịu áp lực giảm giá từ những yếu tố vĩ mô khác, trong đó phải kể đến thâm hụt ngân sách và thâm hụt cán cân vãng lai, mà nhiều nhà kinh tế học gọi là “thâm hụt kép” của Mỹ đang ở mức cao.
Ngoài ra, bức tranh vĩ mô của Việt Nam hiện tại đang khá tích cực, trong đó phải kể đến việc dữ trữ ngoại hối đang ở mức cao, cán cân thương mại khởi sắc và lạm phát đang được kiểm soát tốt.
Đặc biệt, chỉ số CPI nhiều khả năng sẽ tiếp tục được kiểm soát tốt và với mức tăng được dự báo trên dưới 4% trong năm 2018 thì lãi suất tiền đồng vẫn đang ở mức thực dương cao, khoảng 2,5%, nếu so với lãi suất tiền gửi 1 năm tại các ngân hàng lớn đang ở mức từ 6,4 – 6,5%/năm.
Đây là yếu tố tích cực giúp ổn định đồng nội tệ, và cũng lý giải vì sao trong thời gian gần đây rất nhiều thị trường mới nổi phải tăng lãi suất để ổn định đồng nội tệ thì lãi suất Việt Nam vẫn ổn định. Thậm chí, còn có hiện tượng một số ngân hàng giảm nhẹ lãi suất huy động ở một số kỳ ngắn hạn.
Việc nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trong thời gian 1 tháng gần đây có thể có nhiều nguyên nhân, bao gồm chốt lãi ngắn hạn cổ phiếu đã mua trong đợt điều chỉnh mạnh trước, các quỹ ETF tái cơ cấu, bán ròng theo biến động chung của các thị trường thế giới… Trong đó, yếu tố tỷ giá, theo tôi nếu có, cũng không phải là trọng yếu.
Tôi cho rằng, yếu tố tỷ giá một mình nó không đáng quan ngại cho thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian sắp tới. Tuy nhiên, đối với các nhà đầu tư quan ngại rủi ro có thể cân nhắc lựa chọn phân bổ một phần tỷ trọng danh mục vào các cổ phiếu thuộc doanh nghiệp xuất khẩu, đồng thời theo dõi sát diễn biến của chỉ số USD Index và đặc biệt là chênh lệch giữa chỉ số CPI Việt Nam và Mỹ trong thời gian sắp tới để có những dự báo và bước đi thích hợp.
“Khối ngoại có thể quay lại mua ròng vào nửa cuối năm”
Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận Chiến lược thị trường, Khối phân tích CTCK VNDIRECT
Việc Fed nâng lãi suất trong cuộc họp mới đây đã được thị trường dự báo và phản ứng từ trước, điển hình là việc dòng vốn đã rút ròng khỏi các thị trường mới nổi từ tháng 4/2018. Do đó, đợt nâng lãi suất lần này sẽ ít gây ra xáo trộn mạnh trên thị trường chứng khoán toàn cầu nói chung và thị trường Việt Nam nói riêng. Đâu đó sẽ có những biến động trong ngắn hạn, nhưng thị trường sẽ sớm ổn định trở lại.
Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn có khả năng để ổn định tỷ giá trong bối cảnh Việt Nam duy trì thặng dư thương mại kể từ đầu năm, dự trữ ngoại hối đạt kỷ lục trên 63 tỷ USD và việc dòng vốn trực tiếp (FDI) và gián tiếp nước ngoài (FII) tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam. Chúng tôi cho rằng, tỷ giá sẽ không tăng quá 3% trong năm nay và sẽ khó có chuyện nhà đầu tư nước ngoài rút vốn ồ ạt ra khỏi thị trường Việt Nam vì biến động tỷ giá.
Động thái bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài thời gian qua ngoài ảnh hưởng của việc Fed nâng lãi suất, còn đến từ một nguyên nhân quan trọng khác là tái cấu trúc lại danh mục đầu tư trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp nhà nước và tư nhân tiến hành IPO và niêm yết trên thị trường chứng khoán như BSR, PV Power, PV Oil hay như VHM, TCB.
Tính từ đầu năm đến nay, khối ngoại vẫn mua ròng trên 30.009 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán Việt Nam, trong đó riêng VHM là 27.541 tỷ đồng. Chúng tôi cho rằng, đà bán ròng của khối ngoại có thể chậm lại trong thời gian tới và khối ngoại có thể quay trở lại mua ròng vào cuối năm nay để đón sóng kết quả kinh doanh tích cực của các doanh nghiệp niêm yết trong nửa cuối năm 2018.