Theo Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm nay, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt 20,33 tỷ USD, vốn giải ngân đạt 8,37 tỷ USD, lần lượt tăng 5,7% và 8,4% so với cùng kỳ năm trước.
Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia nhìn nhận, các chỉ tiêu về vốn đăng ký, vốn giải ngân và hoạt động sản xuất – kinh doanh của khu vực doanh nghiệp nước ngoài vẫn tăng, nhưng hình thức đầu tư có sự thay đổi lớn. Theo đó, các hình thức như đăng ký cấp mới, đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư đều sụt giảm so với cùng kỳ năm trước, nhưng đầu tư qua mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A) lại tăng tới 82,4%.
Liên quan đến diễn biến dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) trên thị trường chứng khoán, theo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, trong tuần thứ 4 của tháng 6/2018, khối ngoại bán ròng 26 triệu USD cổ phiếu, giảm so với tuần trước đó.
Ðiểm đáng chú ý là giá trị bán ròng của khối ngoại Việt Nam từ đầu tháng 6/2018 đến nay là 96,3 triệu USD, thấp hơn nhiều so với các thị trường chứng khoán mới nổi ở khu vực châu Á, với giá trị bán ròng từ 240 triệu USD tới 1,6 tỷ USD.
Nếu tính từ đầu năm 2018 đến nay, khối ngoại mua ròng 1,59 tỷ USD, trong đó có 1,49 tỷ USD mua cổ phiếu… Ðiều này cho thấy, dòng vốn ngoại tiếp tục tìm đến Việt Nam như một trong những điểm đầu tư hấp dẫn, khi mà kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, GDP 6 tháng đầu năm nay tăng tới 7,08%, khiến cho nhiều tổ chức quốc tế nâng dự báo tăng trưởng kinh tế mà Việt Nam có thể đạt được trong năm nay.
Lãnh đạo văn phòng đại diện một công ty chứng khoán Nhật Bản tại Việt Nam cho rằng, bằng việc thúc đẩy các doanh nghiệp đầu ngành lên sàn, cùng với việc tăng cường minh bạch hóa hoạt động của thị trường chứng khoán, Việt Nam sẽ còn thu hút tốt hơn cả 2 dòng vốn FDI và FII trong thời gian tới.
Theo đó, khi những doanh nghiệp đầu ngành được thúc đẩy lên niêm yết – những doanh nghiệp vốn ít công khai thông tin cho đến khi lên sàn phải tuân thủ các quy định về minh bạch thông tin, thì nhà đầu tư ngoại sẽ có cơ sở để nắm bắt thông tin, đánh giá về hiệu quả, để xem xét cơ hội rót vốn.
Hình thức đầu tư này được nhà đầu tư ngoại ưa thích vì vừa giúp họ rút ngắn thời gian triển khai các hoạt động đầu tư tại Việt Nam bởi không phải trải qua các thủ tục thành lập doanh nghiệp, vừa tận dụng được những cơ hội hấp dẫn từ M&A mang lại.
Sau 30 năm thực hiện chính sách mở cửa đón vốn đầu tư nước ngoài, nếu chúng ta tiếp tục tạo được bước đột phá mới cho cơ chế hút dòng vốn ngoại sẽ tạo xung lực mới cho tăng trưởng kinh tế. Trong các cánh cửa hút vốn ngoại, M&A được dự báo sẽ tiếp tục là kênh được nhà đầu tư ngoại lựa chọn để hiện thực hóa các cơ hội đầu tư tại Việt Nam.