Hiện nay, vốn điều lệ của VAMC là 2.000 tỷ đồng, trong khi thực tế doanh số mua nợ theo giá trị thị trường của VAMC đã đạt hơn 3.000 tỷ đồng. Với quy mô vốn điều lệ còn khiêm tốn như vậy, nhiều ý kiến nghi ngại kể cả khi khung pháp lý về thị trường mua bán nợ xấu ra đời cũng rất khó để đẩy mạnh hoạt động mua bán nợ theo giá thị trường.
Nợ xấu vẫn còn nhiều
Theo VAMC, tính đến ngày 30/6, nợ xấu của hệ thống ngân hàng đã giảm xuống còn 2,18%. Tuy nhiên, thực tế sau 5 năm, nợ xấu chỉ giảm được 1,4%.
Các chuyên gia cho rằng con số nợ xấu như công bố không phản ánh toàn bộ số nợ xấu trên toàn hệ thống.
Ông Hiếu cho rằng: “Không thể tách nợ xấu ở VAMC ra khỏi sổ sách của hệ thống ngân hàng, vì ngân hàng vẫn phải có trách nhiệm xử lý số nợ xấu này. Như vậy, nếu nhìn tổng thể nợ xấu đang nằm trong hệ thống sổ sách của VAMC thực chất vẫn là nợ xấu của ngân hàng”.
Theo tính toán của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (NFSC), tỷ lệ nợ xấu ngành ngân hàng năm 2017 lên tới 9,5%, bao gồm cả nợ ở VAMC và nợ ở các ngân hàng.
Để xử lý triệt để các khoản nợ xấu, trong năm 2017, VAMC thực hiện mua nợ theo giá trị thị trường với tổng giá mua nợ đạt hơn 3.100 tỷ đồng. Đến nay, số tiền mua nợ theo giá thị trường đã thu hồi đạt hơn 2.900 tỷ đồng, tương ứng với hơn 90% tổng giá mua nợ của các khoản nợ đã mua.
Tổng Giám đốc VAMC Đoàn Văn Thắng cho biết, việc mua bán nợ xấu theo thị trường diễn ra rất thuận lợi. Tuy nhiên, hiện nay, thị trường đang hoạt động rất giới hạn do thiếu khung pháp lý, nên chưa thể kích hoạt được thị trường mua bán nợ xấu phát triển mạnh.
Theo ông Thắng, yếu tố then chốt nhất để thị trường này phát triển là phải có sàn giao dịch mua bán nợ xấu.
“Thị trường chứng khoán phải có sở giao dịch chứng khoán, công ty chứng khoán là đơn vị làm trung gian môi giới, giới thiệu hàng hóa là các doanh nghiệp niêm yết cũng như cung cấp thông tin tới các nhà đầu tư. Nợ xấu cũng như vậy, các khoản nợ xấu được phơi bày hết lên sàn, sẽ có những nhà đầu tư là doanh nghiệp, tư nhân, người dân quan tâm, tìm hiểu và họ thấy phù hợp với khoản nợ xấu nào thì sẽ mua”, ông Thắng nói.
Tìm hướng tăng vốn của VAMC
Đồng tình quan điểm này, ông Hiếu cho rằng phần lớn các khoản nợ xấu VAMC mua bằng phát hành trái phiếu đặc biệt, như thế mới chỉ là “bãi đỗ xe cho các loại nợ xấu” chứ không phải mua đứt bán đoạn.
Vì vậy rất cần khuôn khổ pháp lý để hình thành thị trường nợ xấu, đó phải là một sàn giao dịch mua bán nợ. Ở đó có nơi đấu giá mua bán nợ, tất cả những thông tin về khoản nợ đều minh bạch: nợ ở đâu, thuộc loại hình nào, giá trị nguyên thủy của nó là bao nhiêu, giá trị thị trường là như thế nào… Các bên sẽ trao đổi mua bán các khoản nợ này thông qua đấu giá.
Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là kể cả khi khuôn khổ pháp lý đã đầy đủ, nếu vốn điều lệ của VAMC không tăng thêm, vẫn giữ nguyên ở mức 2.000 tỷ đồng sẽ rất khó để đẩy mạnh hoạt động mua bán nợ theo giá thị trường, bởi khi thị trường mua bán nợ hình thành, VAMC sẽ là thành viên có khả năng nhất của việc mua bán nợ.
Ông Hiếu cho rằng: “Vốn tự có của VAMC hiện nay quá nhỏ, nếu dùng vốn đó để mua nợ xấu thì chỉ mua vài tòa chung cư là hết. Vì vậy, vốn điều lệ của VAMC cần phải được tăng lên ở mức tối thiểu là 20.000 tỷ đồng”.
Theo ông Hiếu, trong khi vốn chưa được cấp thêm, khả năng vay từ nước ngoài cũng vô cùng khó khăn, vì vay phải có trách nhiệm trả nợ. Trừ trường hợp những khoản nợ của cơ quan này được Ngân hàng Nhà nước bảo lãnh, còn nếu tự thân đi vay dựa trên khả năng tài chính của doanh nghiệp thì rất khó vay, mà nếu không vay được thì không có khả năng mua được những tài sản lớn của ngân hàng.
Ông Hiếu cho rằng có hai cách để giải quyết bài toán vốn cho VAMC: Một là cổ phần hóa với các nhà đầu tư là nhà đầu tư trong nước. Hai là nếu muốn huy động vốn rộng rãi thì có thể tính tới huy động nhà đầu tư nước ngoài, phải chấp nhận sự hoán đối.
Tuy nhiên, để VAMC có thể đóng vai trò chủ yếu trong thị trường mua bán nợ, tạo ra sàn mua bán nợ thì phải cổ phần hóa VAMC như công ty tư nhân, có như thế mới đủ khả năng tạo ra thị trường mua bán nợ như Nghị quyết 42 đã đưa ra.