Số liệu mới nhất từ Sở Kế hoạch – Đầu tư (KH-ĐT) TP.HCM cho thấy, từ đầu năm đến ngày 15.7, TP có 527 dự án vốn đầu tư nước ngoài (FDI) được cấp mới với tổng số vốn đăng ký hơn 498 triệu USD. Trong khi cùng kỳ năm 2017 có 428 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 743 triệu USD.
Công ty FDI vốn… 2.200 USD
Cũng theo Sở KH-ĐT, trong 7 tháng đầu năm 2018 TP.HCM có 5 dự án FDI lớn nhất vốn từ 25 – 70 triệu USD. Đáng nói là đã xuất hiện các doanh nghiệp (DN) nước ngoài đăng ký vốn đầu tư chỉ vài ngàn USD. Như Công ty TNHH tư vấn J&P (Pháp, đăng ký vốn 3.000 USD), Công ty TNHH Learntalk Việt Nam (Philippines, vốn 3.000 USD), Công ty TNHH Streamy (Ireland, vốn 2.600 USD), Công ty TNHH Fairway (Mỹ, vốn 2.500 USD) và thấp nhất Công ty TNHH Evocom (Pháp, vốn 2.200 USD). Các DN có vốn đăng ký nhỏ này đều hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.
Nhận xét về số DN vốn siêu nhỏ này, ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở KH-ĐT TP.HCM, cho hay dù biết là số vốn quá nhỏ, khó tạo được cú hích trong đầu tư nhưng Sở không thể từ chối đăng ký, vì quy định không cấm vốn đăng ký nhỏ. Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cũng nhiều lần bày tỏ sự lo ngại bởi chia đều ra thì bình quân vốn đăng ký một dự án chưa đạt 1 triệu USD. Con số này là quá nhỏ và khó tạo được cú hích cho đầu tư, phát triển ở TP. Từ đó, ông Phong yêu cầu các sở ngành, nhất là Sở KH-ĐT, phải rà soát, xem tại sao môi trường đầu tư không thu hút được vốn FDI lớn hay có những trục trặc, vướng mắc nào khác.
Lý giải về tình trạng này, TS Đinh Thế Hiển, Giám đốc Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng (IIB), cho biết trước đây TP có thế mạnh về thu hút vốn FDI trong lĩnh vực hạ tầng, đặc biệt là bất động sản đòi hỏi vốn đầu tư lớn. Tuy nhiên, những năm gần đây đầu tư vào bất động sản của TP rất khó, nhất là trong việc tìm kiếm quỹ đất sạch, thủ tục đầu tư… TP cũng đang gặp khó khăn về quỹ đất để kêu gọi những dự án đầu tư sản xuất. Nhiều DN muốn vào đầu tư những nhà máy sản xuất lớn thì không dễ kiếm đất và buộc phải chuyển sang đầu tư ở Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An. Vài năm gần đây, TP muốn phát triển thế mạnh đầu tư vào công nghệ cao tuy nhiên chưa thu hút được dự án nổi bật, quy mô vốn lớn sau sự kiện Tập đoàn Intel vào đầu tư ở Khu công nghệ cao TP…
Ông Hiển cho rằng sắp tới nếu TP cứ cách làm cũ là tập trung thu hút vốn FDI vào bất động sản và công nghiệp sẽ khó có ưu thế hơn các tỉnh lân cận. TP vẫn còn có thế mạnh thu hút vốn nước ngoài vào các lĩnh vực về hạ tầng, công nghệ cao…
498 triệu USD đầu tư FDI ở TP.HCM 7 tháng đầu năm 2018 có:
Nút thắt quỹ đất
Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), cho hay việc quyết định đầu tư ở đâu đối với nhà đầu tư nước ngoài phải là quá trình tìm hiểu thời gian rất dài, có khi đến 3 – 4 năm. Cho nên, thời điểm này vốn đầu tư FDI của TP đang giảm thì chưa thể kết luận FDI ở đây đang đi xuống. “Cũng có thể họ đang nghiên cứu đầu tư ở TP nhưng đây chưa phải là thời điểm chín muồi để quyết định. Cho nên, đầu tư FDI ở TP thời điểm này đang thấp nhưng có thể sẽ tăng cao vào năm sau”, ông Hoàng nói. Tuy vậy, theo ông Hoàng, khó khăn nhất của TP đối với thu hút đầu tư chính là quỹ đất dành cho các dự án cả trong và ngoài nước, cần phải phát triển thêm.
Ông Hoàng cũng phân tích thêm: những nhà đầu tư về sản xuất, công nghiệp thông thường sẽ không chọn TP vì giá thuê đất ở đây rất đắt khiến đầu tư không hiệu quả. Ví dụ, giá thuê đất ở Hà Nội (tương đương TP.HCM -PV) là 160 USD/m2/năm nhưng nhà đầu tư chỉ cần dời nhà máy ra cách Hà Nội chừng 5 km thì giá thuê đất chỉ còn 50 – 60 USD/m2/năm. Cho nên, thế mạnh của TP chính là đầu tư thương mại, dịch vụ, công nghệ cao… đòi hỏi đầu tư không cần nhiều vốn.
“Ai cũng muốn thu hút đầu tư, nhưng vấn đề người ta chịu đến và mình có đáp ứng những yêu cầu của người ta hay không. Muốn thu hút thêm đầu tư FDI thì TP phải chuẩn bị thêm quỹ đất, hoàn thiện hạ tầng, nguồn nhân lực, rồi đầu ra cho sản phẩm, thành lập trung tâm nghiên cứu…”, ông Hoàng nói và lưu ý muốn thu hút thêm đầu tư FDI, TP cũng cần kết nối thêm các tỉnh xung quanh để bổ trợ cho nhau.
Mới đây, Thủ tướng đã cho phép TP.HCM chuyển đổi mục đích sử dụng hơn 26.000 ha đất nông nghiệp sang đất dịch vụ, đô thị và công nghiệp theo như Nghị quyết 80 về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 – 2020).
TP kỳ vọng việc chuyển đổi 26.000 ha đất nông nghiệp này tạo ra quỹ đất dồi dào dành cho đô thị, công nghiệp góp phần thu hút nhiều dự án đầu tư cho TP. Song song với việc chuyển đổi này, TP lên danh sách hơn 3.440 dự án sử dụng quỹ đất được chuyển đổi.
Quan trọng là hiệu quả
Bàn về DN đăng ký vốn 2.000 – 3.000 USD, theo ông Đỗ Nhất Hoàng: chỉ một số lĩnh vực như bất động sản hạn chế vốn tối thiểu từ 20 tỉ đồng, còn về cơ bản, VN không hạn chế vốn tối thiểu. Theo ông Hoàng, những người làm công tác quản lý đầu tư nước ngoài không khuyến khích dự án có vốn quá nhỏ nhưng không thể cấm được.
Trong khi đó, ông Đinh Thế Hiển cho hay thế mạnh của TP chính là thương mại, dịch vụ và đầu tư lĩnh vực này không cần phải nhiều vốn. Do đó, các nhà đầu tư nước ngoài chỉ cần bỏ chừng 500.000 USD đến 1 triệu USD là có thể làm ăn tốt. Theo ông Hiển, TP nên nhìn nhận về tính hiệu quả của dự án chứ không nên lo lắng vì dự án quá nhỏ. Bởi trên thực tế đã có nhiều dự án vốn lớn, ban đầu hoành tráng, “ủi nhiều đất” nhưng rồi không hiệu quả gây ra nhiều hệ lụy cho TP.
“Không nên đặt nặng vốn của dự án trong giai đoạn này mà quan trọng là dự án có thu hút chất xám nhiều không. Một nhà đầu tư nước ngoài có năng lực, chất xám thấy VN hội tụ điều kiện họ qua đầu tư sẽ giúp chúng ta phát triển tốt lên thôi. Rõ ràng thời gian qua trình độ thương mại, dịch vụ của VN tốt lên nhiều là do giao thương với nước ngoài”, ông Hiển nói và cho biết không nên phân bì DN FDI vốn đăng ký 2.000 – 3.000 USD bởi điều này luật cho phép. Trái lại, TP nên tạo điều kiện cho số DN này làm ăn hiệu quả để có điều kiện tăng vốn, từ đó phát triển tốt hơn. Ngay như Singapore còn cho phép DN nước ngoài thành lập chỉ cần đăng ký vốn 1 USD và tạo mọi điều kiện để số DN này phát triển.