Cơ hội cho các khoản đầu tư mới
Một loạt dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã được cấp chứng nhận đầu tư trong hai tháng đầu năm. Có thể thấy rất rõ “bóng dáng” của các nước thành viên CPTPP ở đó, khi các dự án quy mô lớn được cấp chứng nhận đầu tư trong 2 tháng qua phần lớn đến từ các nước này.
Chẳng hạn, Dự án Nhà máy Điện gió Hanbaram, tổng vốn đầu tư 150 triệu USD, Dự án Nhà máy Dệt và May trang phục Ramatex Nam Định, tổng vốn đầu tư 80 triệu USD của nhà đầu tư Singapore; hay Dự án Nhà máy Ykk Hà Nam, tổng vốn đầu tư 80 triệu USD, của nhà đầu tư Nhật Bản…
Trên thực tế, dù không có CPTPP, vốn đầu tư từ Nhật Bản, từ Singapore, hay từ Malaysia… vẫn đổ vào Việt Nam. Đây là các đối tác đầu tư hàng đầu của Việt Nam trong 3 thập kỷ thu hút FDI vừa qua. Lũy kế đến nay, các nhà đầu tư Nhật Bản đã đầu tư vào Việt Nam trên 49,5 tỷ USD. Con số của nhà đầu tư Singapore là 42,8 tỷ USD, còn của Malaysia là 12,26 tỷ USD. Có CPTPP, theo các chuyên gia, vốn FDI từ các quốc gia này sẽ tiếp tục dịch chuyển vào Việt Nam.
Nhưng điều quan trọng hơn, đó là sau khi CPTPP được ký kết, Việt Nam có thể kỳ vọng vào các dòng vốn đầu tư mới, đến từ các thị trường trước nay ít, thậm chí chưa có đầu tư tại Việt Nam. Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), ngoại trừ Nhật Bản, Singapore, Malaysia có đầu tư lớn ở Việt Nam, thì phần lớn các thành viên còn lại trong CPTPP đều đầu tư khá khiêm tốn. Lớn nhất trong số này chỉ có Canada, với trên 5 tỷ USD; Australia – hơn 1,8 tỷ USD, còn lại Chile, Mexico, New Zealand thì rất ít, chỉ đầu tư hơn trăm triệu USD hoặc vài triệu USD, thậm chí Pê-ru còn chưa có đầu tư tại Việt Nam.
“Dù không được như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhưng với CPTPP, Việt Nam vẫn có nhiều lợi ích. Chẳng hạn, Hiệp định sẽ mang lại cơ hội tiếp cận thị trường xuất khẩu của các nước bên kia bờ Thái Bình Dương, như Canada, Mexico, Peru – những thị trường Việt Nam chưa có hiệp định thương mại”, ông Trần Toàn Thắng, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế – xã hội quốc gia nhận định.
Theo ông Thắng, ngay cả với các thị trường Nhật Bản, Australia, New Zealand mà Việt Nam đã có FTA, thì CPTPP cũng tạo thêm cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận các thị trường này.
Điều quan trọng là, kéo theo những cơ hội hợp tác thương mại, sẽ là cơ hội đầu tư rộng mở. Khi khả năng kết nối với các thị trường này ngày càng lớn, thì không chỉ doanh nghiệp Canada, New Zealand, Mexico muốn đầu tư vào Việt Nam, mà ngay cả những nhà đầu tư nước ngoài muốn “với tay” tới các thị trường này cũng sẽ dốc vốn đầu tư vào Việt Nam. Giống như trước đây, khi TPP còn có Mỹ, nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng bỏ vốn vào Việt Nam để được hưởng lợi một khi muốn xuất khẩu sang Mỹ.
“Với các cam kết về đầu tư, mở cửa các thị trường dịch vụ mạnh hơn, CPTPP sẽ thúc đẩy FDI vào Việt Nam, đồng thời giúp cho cạnh tranh trong nhiều thị trường dịch vụ mạnh mẽ hơn, đặc biệt trong các dịch vụ phục vụ sản xuất, hứa hẹn mang lại chất lượng cao hơn, giá hợp lý hơn cho người dân và doanh nghiệp”, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) nhấn mạnh.
Và rộng cửa cho các dòng vốn có chất lượng
Có một thực tế không thể phủ nhận, đó là thiếu Mỹ, CPTPP đã phần nào bớt đi sức hấp dẫn và tầm ảnh hưởng. Dù có nhiều khẳng định của các chuyên gia kinh tế rằng, CPTPP không có Mỹ, Việt Nam vẫn được hưởng lợi, song rõ ràng, việc thiếu Mỹ cũng sẽ khiến dòng vốn FDI dịch chuyển vào Việt Nam không mạnh mẽ như kỳ vọng trước đây. Khoảng 2-3 năm trước, đã có một làn sóng đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam để đón đầu cơ hội do TPP mang lại và phần lớn trong số đó là “ngóng” đến thị trường Mỹ.
Tuy vậy, khá lạc quan, GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng, về lượng, không phải quá băn khoăn về FDI vào Việt Nam. Bởi vẫn còn Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore đang đầu tư lớn vào Việt Nam. Thêm vào đó, Tổng thống Donald Trump vẫn đang để ngỏ khả năng tham gia CPTPP. “Nếu Mỹ quay lại, chúng ta sẽ phải đàm phán lại một số điều khoản. Song đây sẽ là cơ hội rộng mở để Việt Nam thu hút đầu tư từ Mỹ”, GS-TSKH. Nguyễn Mại nói.
Mới đây, Tổng thống Donald Trump cũng đã khẳng định cam kết hợp tác với các quốc gia tham gia TPP, đặc biệt là các quốc gia chưa có hiệp định song phương với Mỹ, trong đó có Việt Nam. Chính quyền Tổng thống Donald Trump còn khẳng định, sẽ tiếp tục nỗ lực xây dựng mối quan hệ thương mại mạnh mẽ, tốt hơn và công bằng hơn với 5 quốc gia TPP còn lại là Nhật Bản, Việt Nam, Malaysia, New Zealand và Brunei. “Nếu Việt Nam có thể ký hiệp định thương mại tự do song phương với Mỹ, sau Hiệp định Thương mại song phương (BTA), thì đó sẽ là một cơ hội lớn để thúc đẩy đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam”, GS-TSKH. Nguyễn Mại nói.
Trên thực tế, ngay khi Mỹ tuyên bố rút khỏi TPP, các chuyên gia kinh tế đã nói rất nhiều đến việc Việt Nam nên thúc đẩy ký hiệp định thương mại tự do song phương với Mỹ. Bởi hiệp định này sẽ mang lại nhiều cơ hội hợp tác thương mại và đầu tư với nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Ở một khía cạnh khác, GS-TSKH. Nguyễn Mại cũng cho rằng, ngoài Mỹ, còn có thể kỳ vọng các khoản đầu tư khác từ các nền kinh tế lớn trên thế giới. Bởi nhiều nước, ví như Anh, cũng đã để ngỏ khả năng tham gia CPTPP.
“Trước đây, chúng ta chưa quan tâm nhiều đến thu hút đầu tư từ Anh, Canada…, thì đây là cơ hội. Chúng ta rất cần FDI từ Mỹ, Pháp, Đức, Anh…, những nước dẫn đầu trong OECD, có nhiều tiềm năng lớn trong phát triển công nghệ cao, công nghệ nguồn… Phải làm sao lôi kéo được đầu tư từ những nước này nhiều hơn. Phải có dòng vốn đầu tư có chất lượng này, Việt Nam mới có thể theo kịp trong cách mạng công nghiệp 4.0”, GS-TSKH. Nguyễn Mại nói.