Cho đến thời điểm này, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) mới thoái thành công phần vốn góp tại đầu mối duy nhất trong kế hoạch thoái vốn tại 15 công ty cổ phần có vốn góp trong năm 2018 như đã đăng ký với Bộ Giao thông – Vận tải.
Đọng vốn tại 14/15 doanh nghiệp
VNR đã thoái thành công toàn bộ 7.425.511 cổ phiếu tại Công ty cổ phần Tổng công ty Công trình đường sắt (RCC) theo phương án khớp lệnh trên sàn giao dịch chứng khoán. Với giá bán bình quân 23.000 đồng/cổ phiếu, VNR đã thu về 170,7 tỷ đồng từ đợt thoái vốn này.
Như vậy, ngoại trừ RCC, VNR vẫn còn đọng vốn tại 14/15 doanh nghiệp có vốn góp là: Công ty cổ phần Đầu tư đường sắt 3; Công ty cổ phần Viễn thông – Tín hiệu đường sắt; Công ty cổ phần Xây dựng công trình Đà Nẵng; Công ty cổ phần In đường sắt Sài Gòn; Công ty cổ phần Hải Vân Nam; Công ty cổ phần Tư vấn đầu tưvà xây dựng công trình 1;
Công ty cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng và đô thị đường sắt; Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư và xây dựng đường sắt; Công ty cổ phần Đầu tư và Giao thông vận tải; Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Giao thông vận tải; Công ty cổ phần Công trình 6; Công ty cổ phần Đá Đồng Mỏ, Công ty cổ phần Đá Mỹ Trang; Công ty cổ phần Vĩnh Nguyên.
Lãnh đạo VNR thừa nhận, quá trình thoái vốn tại 14 doanh nghiệp bị tồn này sẽ rất khó khăn, do tỷ lệ vốn chủ sở hữu của Tổng công ty tại nhiều công ty có khối lượng nhỏ. Tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp này trong vài năm trở lại đây gặp rất nhiều khó khăn, nên khả năng thoái vốn thành công của VNR là không cao.
Trong số này, tại một số công ty cổ phần, VNR đã tiến hành thoái, nhưng không có nhà đầu tư tham gia hoặc nhà đầu tư bỏ cọc toàn bộ không mua, đó là: Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư và xây dựng đường sắt; Công ty cổ phần Đầu tư đường sắt 3; Công ty cổ phần Công trình 6.
Chưa có “làn sóng” tư nhân đổ bộ vào đường sắt
Việc tái cơ cấu ngành đường sắt, tách bạch giữa hạ tầng và vận tải dù đã được thực hiện vài năm qua, nhưng chưa mang lại hiệu quả rõ rệt. Từ năm 2015, Tập đoàn Vingroup từng bày tỏ ý định muốn đầu tư vào ga Hà Nội, Sài Gòn và Đà Nẵng. Trong đó, riêng ga Đà Nẵng (chủ trương dịch chuyển ga ra ngoài khu vực trung tâm, khu vực ga cũ sẽ được nhượng quyền khai thác), ngoài Vingroup, nhiều doanh nghiệp và liên doanh đã xếp hàng đầu tư.
Tuy nhiên, cho tới nay vẫn chưa có “làn sóng” tư nhân đổ bộ vào lĩnh vực đường sắt. Nhiều mong muốn đầu tư mới chỉ dừng lại ở mức dự định, nhưng chưa thể hiện thực hóa do vướng mắc các quy định đầu tư trong luật.
Chưa kể, các ý định đầu tư đa phần nhắm vào nhượng quyền khai thác dịch vụ tại các vị trí đẹp, đất vàng của đường sắt, mà rất ít những dự án nhắm vào lĩnh vực hạ tầng, đầu tư hạ tầng các đoạn tuyến – cái đường sắt đang rất thiếu và yếu.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông từng thừa nhận, tư nhân không thích vào đường sắt vì chi phí cơ hội của đồng tiền thấp, vào đường bộ có lợi hơn nên hút được hàng loạt nhà đầu tư chen chân nhảy vào.
TS Phạm Sanh, chuyên gia về giao thông cho rằng, trở ngại lớn nhất với tiến trình cổ phần hóa ngành đường sắt là sức ì trong tư duy và quản lý, vẫn theo tư tưởng bao cấp trước đây thay vì cố gắng thay đổi chất lượng dịch vụ, giảm giá vé, tăng sức cạnh tranh. Sự già cỗi của đường sắt không chỉ là hệ thống đường ray cũ kỹ hơn 100 tuổi, mà đến từ chính chất lượng dịch vụ và các tiện ích lỗi thời.
Vẫn theo vị chuyên gia này, trong thời gian chờ đợi những thay đổi trong chính sách để đẩy nhanh tư nhân hóa vào đường sắt, có rất nhiều điều đường sắt Việt Nam có thể học hỏi từ mô hình tư nhân hóa thành công của Nhật Bản. Và trên thực tế, việc tách hẳn khối vận tải thành 2 công ty CP vận tải đường sắt Sài Gòn và Hà Nội đã phần nào tạo những chuyển biến trong chất lượng dịch vụ.
Nhưng những chuyển động chậm chạp chưa thể thực sự làm hài lòng hành khách, trong khi rất nhiều dịch vụ nhỏ có thể cải thiện, không tốn nhiều vốn nhưng lại không được ngành đường sắt chú ý đầu tư. Dù cổ phần hóa 2 công ty vận tải đường sắt, nhưng chất lượng dịch vụ vẫn không được nâng cao lên nhiều, vì cổ phần hóa vẫn như bình mới rượu cũ mà thôi.
“Để thực sự hiệu quả, phải đẩy nhanh tiến trình tư nhân hóa, rút toàn bộ vốn nhà nước, chỉ khi tư nhân quản lý toàn bộ khi đó mới có thể nói tới sự cạnh tranh về chất lượng dịch vụ và ngay cả giá vé”, TS Phạm Sanh cho hay.