Cụ thể, VNPT sẽ thực hiện bán đấu giá cổ phần tại các doanh nghiệp như: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hàng Hải Việt Nam (Maritime Bank), Công ty Cổ phần Bất động sản Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng viễn thông Cần Thơ, Công ty Cổ phần Xây lắp Bưu điện miền Trung, Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư và phát triển Bưu điện Hà Nội, Công ty Cổ phần Thiết kế Viễn thông Tin học Đà Nẵng,…
Tập đoàn này dự tính tổng mức giá khởi điểm của các hoạt động thoái vốn kể trên lên đến khoảng 1.500 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do trước đó, tháng 1/2018, VNPT đã thoái vốn thành công ở hai công ty công là Công ty Cổ phần Tin học – Viễn thông hàng không (AITS) và Công ty Tài chính TNHH Một thành viên Bưu điện (PTF), thì số tiền thoái vốn ngoài ngành của VNPT sẽ lớn hơn nhiều so với con số 1.500 tỷ đồng.
Mặc dù không tiết lộ giá trị thoái vốn tại hai công ty trên nhưng ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch VNPT cho biết, mức giá mà VNPT thoái được cao gần gấp hai lần mức định giá của Tập đoàn.
Đây có thể xem là những tín hiệu đáng mừng đối với các doanh nghiệp viễn thông, đặc biệt là với VNPT và MobiFone trong việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành theo chủ trương của Chính phủ, vì kế hoạch này đã được các doanh nghiệp triển khai từ nhiều năm qua nhưng chưa thực hiện được vì thị trường chứng khoán vẫn còn nhiều khó khăn, thanh khoản của các cổ phiếu chưa niêm yết còn thấp…
Đối với MobiFone, nhà mạng này cũng vừa thực hiện thoái vốn thành công 33,4 triệu cổ phiếu tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Nam Á (SeABank) và thu về hơn 333 tỷ đồng.
Về kết quả hoạt động kinh doanh, VNPT cho biết, trong hai tháng đầu năm 2018, tập đoàn đạt lợi nhuận tăng trưởng 15% so với cùng kỳ, doanh thu hợp nhất toàn tập đoàn tăng 4,6%. Dù vậy thuê bao di động thì hầu như không tăng trưởng nhiều do chính sách quản lý thuê bao trả trước.
Thuê bao băng rộng tăng trưởng 142.000 thuê bao, đạt 84,6% so với cùng kỳ do tháng 2 rơi vào tháng Tết cũng khiến cho việc phát triển thuê bao không bằng được các tháng trước.