Kết thúc phiên giao dịch ngày 19/6, chỉ số Vn-Index tiếp tục mất 25,18 điểm, về mốc 962,16 điểm; HNX – Index cũng “bốc hơi” gần 2,5 điểm còn 110,58 điểm, với hàng loạt cổ phiếu giảm sàn.
Trong phiên giao dịch buổi chiều, Vn-Index đã có lúc giảm tới 45 điểm, tuy nhiên, lực cầu bắt đáy đã quay trở lại giúp thị trường hồi phục đáng kể.
Chân dung những “tội đồ”
Hai tuần qua, thị trường chứng khoán đã nỗ lực đi lên, dần hồi phục lấy lại mốc 1.000 điểm. Tuy nhiên, diễn biến chính cho thấy, các chỉ số bứt phá chủ yếu vẫn dựa vào các mã lớn, thiếu đi sự đồng thuận của thị trường.
Thị trường luôn giao dịch trong trạng thái “xanh vỏ, đỏ lòng”, chỉ số đi lên nhưng nhà đầu tư vẫn lỗ, bởi phụ thuộc quá nhiều vào các trụ. Điều này tạo ra rủi ro đảo chiều lớn khi trụ bị “gãy”.
Lo lắng này đã trở thành sự thật khi Vn- Index mở cửa tuần giao dịch 18-22/06 với phiên giảm 29,2 điểm, mức giảm điểm mạnh nhất kể từ tháng 5/2018 tới nay.
Chỉ tính riêng trong phiên 18/6, vốn hóa thị trường đã “bốc hơi” 92.000 tỷ đồng, trong đó, chỉ tính riêng mức giảm của GAS, VNM, VCB, TCB, HPG đã đóng góp gần một nửa, với tổng giá trị vốn hóa bốc hơi 42.900 tỷ đồng.
Cổ phiếu ngành ngân hàng cũng là một trong những “tội đồ” khiến thị trường lao dốc, khi hàng loạt các ông lớn góp mặt trong danh sách những mã cổ phiếu có mức giảm mạnh nhất như BID, CTG, HDB… ACB cùng SHB là những tác nhân lớn nhất khiến HNX-Index sụt giảm.
Các cổ phiếu chứng khoán cũng không hề kém cạnh, khi những tên tuổi lớn “đồng thuận nằm sàn” hoặc sát sàn như : HCM giảm sàn, SSI, MBS giảm gần mức giá sàn trong khi VCI, SHS cũng giảm hơn 5%.
Đà giảm của thị trường không chỉ tập trung ở một vài cổ phiếu mà lan rộng ra toàn bộ các nhóm ngành như: thép, bất động sản, vật liệu xây dựng,… Khối ngoại thậm chí còn bán ròng tới 500 tỷ đồng trên toàn thị trường trong phiên giao dịch đầu tuần.
Sau đà giảm mạnh của phiên đầu tuần, nhà đầu tư tiếp tục bán mạnh ngay từ khi mở cửa phiên giao dịch ngày 19/6.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, bất động sản tiếp tục là những “tội đồ” khiến thị trường lao đao, có thời điểm, Vn-Index đã lùi sát về sát mốc 940 điểm.
Lực cầu bắt đáy quay trở lại trong phiên ATC đã khiến các chỉ số chính thu hẹp đà giảm, nhóm “tội đồ” cũng hồi phục từ mức “giảm sốc” xuống còn giảm sâu và giảm nhẹ.
Sẽ lại thủng mốc 900 điểm?
Điểm sáng duy nhất trong phiên 19/6 là thanh khoản thị trường đạt 251 triệu cổ phiếu, tổng giá trị đạt gần 7.000 tỷ đồng. Đây là con số cao nhất trong vòng 2 tháng gần đây từ thị trường chứng khoán Việt Nam.
Tuy nhiên, đà giảm trải đều trên toàn thị trường, khối ngoại mặc dù giảm bán, nhưng vẫn tiếp tục bán ròng khá mạnh với giá trị bán ròng hơn 120 tỷ đồng trên HoSE. Ngược lại, khối này đã trở lại mua ròng 758 nghìn cổ phiếu, tương ứng giá trị 11,7 tỷ đồng trên HNX.
Nhận định thị trường trong hai phiên giao dịch vừa qua, CTCK BVSC cho rằng lực bán trải dài đều trên thị trường chứ không chỉ tập trung ở nhóm trụ cột và khối ngoại liên tiếp bán ròng sẽ là những trở ngại đối với thị trường trong thời gian tới.
Theo Bloomberg, khối ngoại hiện đang có đợt “tháo chạy” mạnh nhất tại các thị trường mới nổi châu Á kể từ đợt khủng hoảng năm 2008.
Bên cạnh đó, về kinh tế vĩ mô, những dự báo không mấy lạc quan về tăng trưởng kinh tế quý II và nửa cuối năm cũng được đưa ra đã ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý thị trường.
Ngay sau phiên giao dịch “đen tối” đầu tuần, một chuyên gia chứng khoán đã đưa ra cảnh báo, với kịch bản thận trọng, thị trường sẽ tiếp tục khó khăn, thậm chí mất mốc 900 điểm.
Cũng theo vị chuyên gia này, sở dĩ thị trường chứng khoán có khả năng diễn biến theo kịch bản xấu là rất cao, bởi dưới góc nhìn kỹ thuật, các mức hỗ trợ ngắn hạn như 975 điểm tương ứng MA200 của đồ thị tuần bị xuyên thủng, chỉ số VN-Index có thể sẽ lại “restest” lại vùng đáy cũ 916 điểm hoặc thấp hơn.
Đồng quan điểm, ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng nhóm Vĩ mô thị trường – CTCK BSC, cũng cho rằng khối ngoại đang bán ra rất mạnh, đó có thể là nguyên nhân khiến thị trường quay lại đáy cũ và có thể thủng mức 900 điểm.
Tuy nhiên, chia sẻ về việc khối ngoại bán ròng mạnh trong hai phiên giao dịch vừa qua, Chủ tịch UBCKNN, ông Trần Văn Dũng cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam đang bị ảnh hưởng bởi thị trường thế giới, khi FED tăng lãi suất, giá dầu lao dốc, tỷ giá tăng mạnh…
Theo ông Dũng, việc điều chỉnh là điều không thể tránh khỏi, so sánh với các thị trường châu Á như Nhật Bản hay Thượng Hải thì mức độ điều chỉnh của thị trường Việt Nam vẫn chậm hơn.
Theo thống kê của UBCKNN, dòng vốn của nhà đầu tư ngoại trong nửa đầu năm 2018 vẫn nhiều hơn dòng tiền ra.
Cụ thể, trong tháng 1 dòng vốn ngoại đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam 670 triệu USD, nhưng tháng 2 chỉ rút ra 32 triệu USD. Tương tự, tháng 3 khối ngoại vào 270 triệu USD, tháng 4 vào 617 triệu USD, tháng 5 đã vào trên 700 triệu USD.
Dù trong bất cứ kịch bản nào thì thị trường chứng khoán vẫn là nơi dành cho những nhà đầu tư tỉnh táo. Trong giai đoạn nhạy cảm này, nhà đầu tư cần có chiến lược đầu tư an toàn, nên tập trung vào các cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng với PE còn thấp.