Theo báo cáo của CTCK Rồng Việt (VDSC), hiện có 4 “làn gió ngược” cản đường TTCK toàn cầu nói chung và TTCK Việt Nam nói riêng, đó là: Giá dầu tăng, USD mạnh lên, áp lực về giá và lương nhân công tại các quốc gia phát triển và nguy cơ chiến tranh thương mại.
Tuy vừa trải qua đợt sụt giảm mạnh trong quý II, nhưng VDCS cho rằng, thị trường cổ phiếu Việt Nam vẫn chưa hấp dẫn. Theo VDSC, thị trường được hỗ trợ bởi tăng trưởng ROE (đạt 19% từ đầu năm 2018 đến nay, so với 15% của năm 2017) và biên Ebitda cao (26%), song cần lưu ý một điều rằng, P/E của thị trường đã tăng trong 7 năm qua.
“Kỳ vọng quý III/2018 sẽ là thời gian củng cố của VN-Index, phạm vi mục tiêu là 900-1.000 điểm, với khả năng cao chỉ số sẽ kiểm định lại vùng 900 điểm. Một cú giảm xuống dưới mốc 900 điểm sẽ đưa chỉ số về mức 840 điểm, giới hạn dưới của xu hướng tăng trong 2 năm qua. VN-Index chỉ có thể vượt mức 1.027-1.040 điểm trong một môi trường rủi ro (risk on). Nhìn chung, VN-Index sẽ duy trì đà giảm trong vài tháng tới và cơ hội mua tốt hơn khi đợt điều chỉnh này kết thúc”, VDSC đánh giá.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hồng Điệp, Giám đốc Chi nhánh TP.HCM, CTCK Sài Gòn – Hà Nội (SHS) thì cho rằng, hiện VN-Index đang ở vùng 900 điểm và khó có thể giảm sâu hơn mức 860-880 điểm. Theo ông Điệp, khi thị trường ở vùng đáy và thanh khoản thấp như hiện nay, lượng bán không bắt nguồn từ các nhà đầu tư, mà chủ yếu từ phía các công ty chứng khoán.
“Để giữ an toàn danh mục, đảm bảo quản trị rủi ro, một số công ty chứng khoán bán ra những cổ phiếu ‘đã vượt ngưỡng an toàn’ để thu hồi vốn. Kể cả với khối ngoại, dù có bán ròng, nhưng cũng chỉ tập trung ở một số mã. Thị trường đang có dấu hiệu tạo đáy trung hạn. Nền kinh tế đang tăng trưởng tốt, nên chứng khoán năm 2018 cũng được dự báo tăng trưởng tích cực, khoảng 20%, tức có thể đạt 1.100-1.200 trong giai đoạn cuối năm”, ông Điệp phân tích.
Cũng theo chuyên gia này, trong nửa cuối năm, thị trường cần tìm nhóm cổ phiếu trụ đỡ mới, thay cho nhóm hiện tại. Dự báo, điểm tựa mới là nhóm cổ phiếu dầu khí sẽ đưa VN-Index lên vùng điểm tốt hơn, bởi nhóm này thường có ảnh hưởng khá tích cực với chỉ số. Theo đó, khả năng thị trường có thể tiến về mức 1.000 điểm vào giữa tháng 8, sau đố ổn định trong tháng 9 để tạo bàn đạp tăng trưởng từ tháng 10.
CTCK BIDV (BSC) cho rằng, thị trường tháng 7 đang kiểm tra đáy cũ và có xu hướng tích lũy chờ thông tin tốt. Theo BSC, kết quả kinh doanh quý II sẽ là thông tin hỗ trợ trong ngắn hạn, hoạt động đầu tư cần tập trung vào các cổ phiếu cơ bản và đang được định giá hợp lý.
Về diễn biến thị trường quý III/2018, BSC đưa ra 2 kịch bản. Ở trường hợp tích cực, VN-Index sẽ tích lũy quanh mốc 1.000 điểm và đường trung bình động SMA200.
Cụ thể, chỉ số sau khi biến động mạnh vào nửa đầu tháng 7, sẽ kiểm tra mốc 1.000 điểm vào nửa sau tháng 7 và duy trì đà tăng điểm trở lại đến giữa tháng 8, trước khi trở lại xu hướng điều chỉnh trong tháng 9. Thanh khoản cải thiện nhờ lực cầu khối ngoại và dòng tiền nhà đầu tư nội, dù vậy thị trường sẽ phân hóa cao.
Với trường hợp tiêu cực, VN-Index chỉ tích cực đến giữa tháng 8 và giảm điểm trở lại khi không còn thông tin hỗ trợ và khối ngoại tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu. Chỉ số quay lại kiểm tra các vùng đáy ngắn hạn và có khả năng rơi dưới 900 điểm khi các cổ phiếu bluechips suy yếu mạnh.
Theo BSC, mặt bằng giá giảm giúp chỉ số P/E đang lùi dần về mức hợp lý, thúc đẩy hoạt động đầu tư dài hạn. Nhiều cổ phiếu thuộc 3 nhóm VN30, midcap và smallcap có P/E quanh và dưới 10. Bên cạnh đó, xu thế bán ròng của khối ngoại cũng đang chậm lại. Tâm lý thị trường ổn định sẽ là cơ hội đầu tư khi mùa công bố kế quả kinh doanh bán niên diễn ra.
Đối với việc điều chỉnh danh mục VN30 định kỳ trong tháng 7 này, BSC cho rằng, các cổ phiếu VPB, VRE, DXG, PNJ có thể được đưa vào danh mục để thay thế cho các cổ phiếu KDC, NT2 (bị loại vì thanh khoản dưới vị trí 40), HSG và BMP (bị loại do không nằm trong 50 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất), nhà đầu tư có thể trading ngắn hạn theo sự thay đổi này.
CTCK Bản Việt (VCSC) đánh giá, nền kinh tế Việt Nam thời gian qua đạt được những kết quả khả quan: Chỉ số PMI đạt 55,7 điểm, mức cao nhất từ tháng 3/2011 đến nay và tăng trưởng tổng mức bán lẻ cũng rất cao (tăng trưởng thực 8,3%, danh nghĩa 10,7%). Điều này hứa hẹn kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất, phát điện, bán lẻ… sẽ khả quan, tác động tích cực lên giá cổ phiếu.
Theo VCSC, TTCK đang phản ứng có phần thái quá đối với tình hình lạm phát (3,29% YoY) và tỷ giá (tiền đồng trượt giá 1,1% so với USD) do lo ngại chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam và có thể khiến tiền đồng tiếp tục mất giá. Không đưa ra dự báo khi nào đà giảm thị trường sẽ kết thúc, nhưng VCSC cho rằng, nhiều cổ phiếu hiện phù hợp để đầu tư dài hạn.