Điểm chung giữa hai công ty là hoạt động kinh doanh thua lỗ kéo dài, nhưng chưa hết, một số diễn biến mới tại VKP đang khiến tình hình tại Công ty ngày càng thêm rối ren.
TGĐ bị đề nghị truy tố!
Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an TP. HCM vừa hoàn tất kết luận điều tra và chuyển sang Viện Kiểm sát nhân dân TP. HCM đề nghị truy tố 5 bị can về tội trốn thuế. Trong danh sách, có 3/5 người liên quan trực tiếp đến VKP gồm: bà Nguyễn Thị Minh Châu (nguyên Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc VKP), bà Huỳnh Lê Mỹ Thi (nguyên Kế toán trưởng VKP), bà Huỳnh Thu Hà (Tổng giám đốc VKP đương nhiệm). Hai người còn lại có liên quan gián tiếp đến VKP là ông Bùi Trọng Nguyên (Giám đốc Công ty TNHH Đại Việt) và ông Phan Văn Sang (Giám đốc Công ty TNHH Trường Minh Phúc).
Theo kết luận của cơ quan điều tra, trong giai đoạn 2005 – 2009, VKP lập xưởng tái chế nhựa phế liệu và sử dụng phế liệu mua thêm ở bên ngoài. Để hợp thức hóa, VKP đã mua hóa đơn từ Công ty TNHH Đại Việt, Công ty TNHH Trường Minh Phúc và DNTN Vạn Phước Thành. Trong khoảng thời gian 4 năm, VKP đã mua tổng cộng 272 tờ hóa đơn GTGT, ghi khống tổng giá trị hàng hóa hơn 32 tỷ đồng, trốn thuế gần 3 tỷ đồng. Sau quãng thời gian biến động mạnh về nhân sự, hiện tại, bà Huỳnh Thu Hà (trước làm chủ DNTN Vạn Phước Thành) đã trở thành Tổng giám đốc VKP.
Đây không phải là trường hợp đầu tiên lãnh đạo một DN niêm yết gặp rắc rối với luật pháp. Năm 2006, ông Phạm Chương – Phó chủ tịch HĐQT Sacom, đã bị khởi tố điều tra do các sai phạm trong công tác điều hành tại Bưu điện tỉnh Đồng Nai. Mới đây, tháng 11/2010, ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT CTCP Dược phẩm Viễn Đông bị bắt vì thao túng giá chứng khoán. Trong cả hai trường hợp, DN niêm yết đã có các phản ứng nhanh, công bố thông tin tức thời, trấn an cổ đông.
Tuy nhiên, với trường hợp của VKP, một số phương tiện truyền thông đại chúng đã loan tải thông tin trên từ ngày 27/7, gây hoang mang và phản ứng mạnh tại một số diễn đàn chứng khoán. Nhưng truy cập vào trang thông tin điện tử của VKP (www.tanhoaplastic.vn) thì không thấy phản hồi nào về thông tin “bom tấn” trên. Về sự việc tại VKP, bà Trần Anh Đào, Giám đốc Phòng Quản lý và thẩm định niêm yết Sở GDCK TP. HCM nhận định, thông tin trên thuộc diện tối quan trọng. Theo quy định, VKP phải có trách nhiệm công bố thông tin tức thời trong vòng 24 giờ. Bà Đào cho biết, ngày 1/8, Sở đã có công văn yêu cầu VKP giải trình, nhưng tính đến 12h ngày 2/8, VKP chưa có phản hồi.
ĐTCK đã liên hệ trực tiếp với ông Trương Tứ Đệ, Chủ tịch HĐQT VKP (hiện là chồng bà Huỳnh Thu Hà). Ông Đệ thừa nhận, trong quá khứ, Công ty có các sai phạm về thuế, tuy nhiên trách nhiệm thuộc về các lãnh đạo cũ. Ông Đệ phân trần, bà Hà mới được bầu làm thành viên HĐQT VKP từ cuối tháng 6/2010 và Tổng giám đốc từ giữa tháng 3/2011. Theo ông Đệ, về mặt trách nhiệm, ai làm người ấy chịu, không thể quy kết các sai phạm cũ cho lãnh đạo đương nhiệm VKP hiện nay.
Không thấy ánh sáng cuối đường hầm
9 quý gần đây, VKP đều báo cáo kết quả kinh doanh thua lỗ. Vốn chủ sở hữu chỉ còn phân nửa so với vốn điều lệ. Cổ phiếu đang được giao dịch dưới dạng bị kiểm soát. Thậm chí, trong báo cáo kiểm toán năm ngoái, kiểm toán viên tỏ ra nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Công ty, khi số dư nợ ngắn hạn lớn hơn tài sản ngắn hạn và số lỗ lũy kế đã kéo dài với doanh thu liên tục sụt giảm. VKP từng là đối tượng nắm giữ của nhiều CTCK và cả The Blackhorse Enhanced Vietnam Inc – một quỹ đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, vài năm gần đây, các cổ đông trung thành chứng kiến cảnh Công ty rơi tự do.
Vì đâu VKP sa lầy? Mới đây, lãnh đạo Công ty có văn bản giải trình. Theo đó, một phần do các rối ren về nhân sự khi các lãnh đạo cũ không hợp tác với hai thành viên HĐQT mới được bầu, khiến người lao động chán nản xin nghỉ việc. Toàn bộ hệ thống máy móc thiết bị của Công ty mới được đưa vào sử dụng từ năm 2009, dù không chạy đủ công suất, nhưng hiện nay vẫn phải trích đủ khấu hao, gây thua lỗ. Mặt khác, trong vấn đề công nợ tại Công ty cũng đang phát sinh nhiều tranh chấp: khoản phải thu 24 tỷ đồng với bạn hàng đang phải nhờ đến tòa án giải quyết, nhưng chưa có kết quả; trong công tác đầu tư xây dựng nhà xưởng mới tại Khu công nghiệp Tân Đức (Long An), Công ty đã thanh toán số tiền gần 40 tỷ đồng, nhưng bỗng xuất hiện phần phụ lục của hợp đồng trị giá 25 tỷ đồng (do các lãnh đạo tiền nhiệm ký). Vụ việc gây tranh chấp đang chờ giải quyết của cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, tiếp nhận sổ sách, VKP còn phát hiện các khoản thu chi để ngoài sổ sách từ các lãnh
đạo trước…
Thực tế, trong ĐHCĐ, nhiều cổ đông đã đề cập đến khả năng phát mại tài sản và phá sản tại VKP, khi Công ty đang tồn tại cầm chừng. Khi ấy, ông Nguyễn Văn Trực, đại diện phần vốn nhà nước tại VKP khẳng định, Nhà nước sẽ không để Công ty phá sản. Cứu cánh của VKP khi đó được coi là đợt phát hành trái phiếu chuyển đổi trị giá 40 tỷ đồng. Nhưng theo ông Đệ, UBCK đã có phản hồi rằng, không lỗ trong năm 2011 thì VKP mới được cấp phép phát hành. Lũy kế nửa đầu năm 2011, VKP lỗ 21,26 tỷ đồng. Với sự suy kiệt tài chính và bất ổn tiềm tàng mới, liệu có cơ may nào cho VKP đảo ngược tình thế?