Theo thỏa thuận, Vingroup và các trường Đại học sẽ hợp tác 4 nội dung gồm: Tài trợ các dự án nghiên cứu khoa học – công nghệ; Trao đổi học hỏi kinh nghiệm giữa các giáo sư, nhà nghiên cứu, sinh viên; Giảng dạy và Chia sẻ tri thức; Vingroup cũng đặt các trường Đại học đào tạo với cam kết sẽ tiếp nhận khoảng 100.000 sinh viên tốt nghiệp các ngành công nghệ thông tin trong vòng 10 năm tới.
Tại lễ ký kết, Tập đoàn Vingroup cũng chính thức công bố chiến lược đầu tư trọng điểm vào lĩnh vực Công nghệ – Công nghiệp với mục tiêu đến năm 2028, Vingroup sẽ trở thành một Tập đoàn Công nghệ – Công nghiệp – Dịch vụ đẳng cấp quốc tế, trong đó Công nghệ chiếm tỷ trọng chính.
Để thực hiện được mục tiêu trên, Tập đoàn Vingroup đã đưa ra nhiều nhóm giải pháp, cụ thể:
Với mảng thương mại dịch vụ hiện có: Tập đoàn tiếp tục đẩy mạnh, hoàn thiện và nâng cấp chất lượng cũng như hiệu quả hoạt động. Thương mại dịch vụ không chỉ đóng vai trò là chỗ dựa tài chính cho hai mảng mới, mà còn là hệ sinh thái quan trọng để hỗ trợ công tác nghiên cứu và thương mại hóa các sản phẩm công nghệ – công nghiệp.
Với mảng công nghiệp: Vingroup tiếp tục đẩy mạnh sản xuất ô tô và sản xuất các sản phẩm điện thông minh-gia dụng. Dự kiến ngay cuối năm nay, Vingroup sẽ cho ra mắt điện thoại và tivi thông minh. Đồng thời với việc sản xuất, Vingroup sẽ đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp ra thị trường thế giới.
Với mảng công nghệ: Vingroup xác định nhiều mũi nhọn để có thể thúc đẩy đầu tư mạnh mẽ, trong đó có ba điểm chính.
Đầu tiên là tập trung đầu tư đội ngũ nhân sự, hạ tầng để phát triển sản xuất phần mềm với việc thành lập Công ty VinTech, tách ra từ Công ty VinSmart. Công ty VinTech sẽ tập trung nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI), sản xuất các phần mềm và nghiên cứu phát triển các nguyên vật liệu thế hệ mới. Công ty đã thành lập hai Viện nghiên cứu là Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn và Viện Nghiên cứu công nghệ cao Vin Hi-Tech (VHT).
Mũi nhọn thứ hai là tập trung đầu tư trung tâm nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ cao VinTech Citytheo mô hình của thung lũng Silicontại Hà Nội. Mục tiêu của VinTech Citylà tạo ra hệ sinh thái toàn diện tương tự như thung lũng Silicon để phục vụ cho các công ty khởi nghiệp về công nghệ thông tin, bao gồm từ các khu văn phòng làm việc tới chỗ ăn ở… và các công ty dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp đi kèm.
Mũi nhọn thứ ba là lập Quỹ Đầu tư về công nghệ với nhiệm vụ tìm kiếm các cơ hội hợp tác, phát triển những dự án công nghệ – trí tuệ nhân tạo có khả năng ứng dụng cao trên phạm vi toàn cầu. Ngoài việc được hỗ trợ về tài chính, các đối tác của Vingroup sẽ được sử dụng hệ sinh thái của Tập đoàn để tổ chức thực nghiệm và thương mại hóa các sản phẩm.
Ngoài ra, VinTech còn lập Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Khoa học – Công nghệ ứng dụng nhằm hỗ trợ các dự án nghiên cứu của giảng viên và sinh viên trong nước. Quỹ được kỳ vọng sẽ thúc đẩy phong trào nghiên cứu và thực nghiệm các nghiên cứu khoa học công nghệ, góp phần nâng cao năng lực của các kỹ sư khi tốt nghiệp.Bên cạnh đó, để góp phần thúc đẩy sự đi lên của nền công nghệ và công nghiệp Việt Nam – Quỹ cũng sẽ hỗ trợ cho Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia và Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam.