Ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Quyền Tổng giám đốc Vinalines cho biết, hiện đã có nhiều nhà đầu tư quan tâm đến vấn đề cổ phần hóa của Vinalines; có thể kể đến như Hyundai Motor, SK của Hàn Quốc và tập đoàn xi măng Thái Lan Siam Cement (SCG). Thêm vào đó, Quỹ Dự trữ quốc gia Vương quốc Oman đã từ lâu mong muốn trở thành một cổ đông chiến lược của Cảng Hải Phòng và vừa qua đã một lần nữa đề xuất được đầu tư vào Cảng Hải Phòng.
Ông Trần Tuấn Hải, Trưởng ban Chiến lược phát triển và Truyền thông Vinalines tiết lộ, năm 2017, Vinalines đã ký biên bản ghi nhớ với Rent-A-Port N.V, một công ty chuyên về đầu tư và quản lý cảng thuộc Tập đoàn Ackermans & van Haaren của Vương quốc Bỉ về khả năng hợp tác trong các dự án bến cảng ngũ cốc chuyên dụng, khu chế biến, hệ thống logistics. Đáng chú ý, biên bản ghi nhớ trên cũng bao gồm điều khoản cho phép Rent-A-Port N.V. tham gia đầu tư, mua 10% vốn điều lệ của Vinalines khi thực hiện cổ phần hóa.
Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đang khai thác và vận hành 14 cảng biển tại các vị trí chiến lược trải dài Việt Nam chiếm gần 20% năng lực thông qua và 25% tổng chiều dài cầu bến cả nước. Tổng công ty cũng sở hữu hệ thống kho bãi hàng hải lớn nhất Việt Nam về mặt diện tích thông qua 9 công ty liên kết và chi nhánh.
“Với lợi thế độc nhất là doanh nghiệp hàng hải có đủ ba 3 ngành nghề kinh doanh, bao gồm: vận tải biển, khai thác cảng biển, dịch vụ hàng hải, trong chiến lược phát triển Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đang và sẽ đẩy mạnh dịch vụ logistics trọn gói để phát huy lợi thế về cảng biển-vận tải biển-dịch vụ hàng hải”,ông Trần Tuấn Hải nêu định hướng của Vinalines.
Ngoài ra, Vinalines cũng sở hữu đội tàu bao gồm 84 chiếc, gồm các tàu container, tàu chở hàng rời, tàu chở dầu và các loại tàu và dịch vụ cảng khác, chiếm 25% tổng trọng tải của thị trường vận tải biển trong nước với một hệ thống khách hàng lớn bao gồm các công ty đa quốc gia. Xét ở góc độ quy mô, đây là công ty vận tải biển lớn nhất Việt Nam.
Nhiều chuyên gia đánh giá, những thay đổi trên được xem là bước “ngoặt lớn” trong tái cơ cấu Vinalines, đồng thời cũng cho thấy, Tổng công ty này có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của ngành vận tải biển nói riêng và ngành hàng hải nói chung của đất nước.
Nhận xét về kết quả tái cơ cấu và hướng đi của Vinalines trong thời gian tới, ông Nguyễn Xuân Sang, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam từng đánh giá, hướng tái cơ cấu mà Vinalines đang thực hiện đem lại những kết quả tích cực.
“Vinalines phải tái cơ cấu lại đội tàu, theo hướng bán những tàu già, tàu không hiệu quả đồng thời lựa chọn những chủng loại tàu phù hợp để mua mới. Ví dụ như vận tải biển trong nước, Vinalines nên đầu tư vào các mác tàu vận tải container Bắc – Nam để gom hàng về cảng trung chuyển”, ông Sang đề xuất.
Vẫn theo ông Sang, đối với những hàng hóa số lượng lớn như hàng than cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện thì Vinalines nên tranh thủ nắm bắt cơ hội này để giành lấy quyền vận tải cung cấp than cho các nhà máy này. Ngoài ra, một trong những mảng kinh doanh mà Vinalines phải phát triển là phát triển dịch vụ logistics.