Đi đầu trong các thương vụ đầu tư trị giá lớn trong thời gian qua trên thị trường Việt, trước hết phải nhắc đến quỹ đầu tư tên tuổi VinaCapital.
Hàng loạt thương vụ “chọn mặt gửi… tiền”
Trong mấy tháng đầu năm 2018, VinaCapital đã khiến thị trường phải “sôi” lên vì các quyết định đầu tư ở những doanh nghiệp được ví là những “viên ngọc”. Điển hình là quỹ VOF của VinaCapital đã “xuống tiền” tới gần 45 triệu USD để tham gia mua cổ phần trong đợt IPO của của Cty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) – đơn vị quản lý, vận hành nhà máy lọc dầu Dung Quất, và Tcty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power).
Trong đó, Quỹ đã chi gần 25 triệu USD (tương đương gần 570 tỷ đồng) để mua khoảng 10% cổ phần của BSR. VOF đánh giá giá khởi điểm của cổ phiếu BSR là “rất hấp dẫn” (14.600 đồng/CP), tương đương P/E 2017 là 5,6 lần so với chỉ số P/E chung toàn thị trường là 20 lần. Còn với PV Power, VOF cho biết đã đầu tư hơn 20 triệu USD vào Cty này. Quỹ này cũng đánh giá định giá cổ phiếu của PV Power “hấp dẫn” khi P/E ở mức 11,5 lần và giá chào bán là 14.400 đồng/CP. Theo đó, không chỉ sở hữu những lợi thế riêng, cổ phiếu BSR và PV Power mà VinaCapital tranh thu “ôm” được, đang cộng thêm lợi thế “định giá quá rẻ” so với mặt bằng chung hay bình quân ngành – điều mà bất cứ nhà đầu tư nào cũng “mơ” có được.
Lùi lại 2017, VinaCapital cũng là tổ chức mạnh tay mua cổ phần của các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp IPO và niêm yết cả ở loại hình Nhà nước cổ phần hóa, thoái vốn hoặc tư nhân. Trong đó đáng chú ý, họ đã đầu tư 20,5 triệu USD vào Vietjet, kế tiếp là một khoản đầu tư tương đương 3,1% giá trị tài sản ròng (NAV) của VOF dành cho HDBank.
Một khoản đầu tư khá khác trị giá 11 triệu USD tương đương dưới 5% cổ phần Ngân hàng Phương Đông cũng được VinaCapital ra quyết định chấp thuận. Có thể thấy trong danh mục của VOF, bên cạnh các doanh nghiệp lớn mà Quỹ đã giữ cổ phần chiếm tỷ lệ giá trị tài sản ròng lớn như HPG của Tập đoàn Hòa Phát dẫn đầu với 16,3% NAV; VNM của Cty Sữa Việt Nam – Vinamilk với 9,8% NAV; ACV của Tcty Cảng hàng không Việt Nam với 7,8% NAV; PNJ của Cty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận với 6,1% NAV và cổ phiếu VJC của Cty Hàng không Vietjet với 4,9% NAV, đã có sự trở lại của cổ phiếu Eximbank, HDBank, OCB.
Vì sao quỹ ngoại mạnh tay?
Gần đây nhất, VinaCapital công bố tiếp vụ đầu tư 32,5 triệu USD vào CTCP Ba Huân của “nữ hoàng trứng vịt” Nguyễn Thị Huân. Cty này nắm 30% thị phần trứng gia cầm trong cả nước và hứa hẹn doanh thu 90 triệu USD trong năm 2018.
Nói riêng về thương vụ Ba Huân, một nguồn tin cho biết khoản đầu tư vào trứng gà Ba Huân – với VinaCapital, nằm trong chiến lược đầu tư tư nhân với giá trị tổng vốn dự kiến sẽ chấp thuận cùng doanh nghiệp ước khoảng 200 triệu USD. Đây là con số mà ông Andy Hồ, Giám đốc Đầu tư VinaCapital cho biết.
Không riêng quỹ này, nhiều tổ chức đầu tư khác cũng đã sẵn sàng tham gia vào các hoạt động IPO, thoái vốn cổ phần Nhà nước lẫn góp vốn tư nhân theo chiến lược đầu tư giá trị, dài hạn.
Đánh giá về xu hướng tăng tốc đầu tư và các động lực cho thị trường chứng khoán thu hút vốn giải ngân FII, bà Nguyễn Thị Ngân Tuyền, Giám đốc Nghiên cứu của Maybank Kimeng Việt Nam cho biết cơ hội thăng hạng thị trường mới nổi mà MSCI từng nhắc với Việt Nam mới đây là một yếu tố quan trọng. “Tuy còn nhiều thời gian để đạt đến điều đó và nhiều việc phải làm song đây rõ ràng là động lực thúc đẩy thị trường tăng trưởng. Nhà đầu tư ngoại đặc biệt càng có nhu cầu đón đầu xu hướng, “đi trước 1 bước” khi thị trường thăng hạng”, bà Tuyền nhấn mạnh.
Năm 2018 và các năm tới, theo đánh giá của các định chế quốc tế, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định. Một thị trường tiềm năng với hơn 95 triệu dân và xa hơn, còn có các thị trường xuất khẩu rộng với các Hiệp định song phương, đa phương, đang hứa hẹn cơ hội lớn lên của các doanh nghiệp. Đầu tư tư nhân và đầu tư doanh nghiệp niêm yết song hành cùng nhau trong chiến lược của VinaCapital, đặc biệt sự thay đổi tỷ trọng đầu tư với các khoản giải ngân thoát ra khỏi quy mô 5-11 triệu USD của quỹ, đã cho thấy những tham vọng ngày càng lớn của quỹ này.