Phát hành riêng lẻ là lựa chọn duy nhất
Viettel Global là đơn vị thành viên của Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) phụ trách mảng đầu tư ra nước ngoài. Hiện tại, Viettel Global đang quản lý, vận hành kinh doanh viễn thông tại 10 thị trường nước ngoài.
Tuy nhiên, do nhiều yếu tố, hoạt động kinh doanh của Tổng công ty liên tục thua lỗ trong 3 năm gần đây. Gần đây nhất, năm 2017, Viettel Global tiếp tục lỗ 481,05 tỷ đồng hợp nhất, cho dù doanh thu thuần đã có sự cải thiện đáng kể so với năm 2016. Lũy kế đến hết 31/12/2017, Tổng công ty ghi nhận mức lỗ lũy kế hợp nhất 3.452 tỷ đồng và mất 17,73% vốn điều lệ.
Điều này khiến cho Viettel Global không có nhiều lựa chọn để thực hiện tăng vốn điều lệ. Theo chia sẻ của lãnh đạo Tổng công ty, cho dù Viettel Global không bị hạn chế về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, song trong quá trình tìm kiếm cổ đông chiến lược không có nhà đầu tư nào tìm đến.
Phát hành riêng lẻ cho Viettel là lựa chọn duy nhất nếu công ty muốn tăng vốn thành công. Với việc mua thêm 800 triệu cổ phần có giá phát hành bằng mệnh giá, tỷ lệ sở hữu của Viettel tại Viettel Global sẽ tăng từ mức 98,68% lên 99%. Mục đích sử dụng vốn là để tăng quy mô vốn hoạt động phù hợp với nhu cầu vốn đầu tư của các dự án đến hết năm 2020.
Tình hình tài chính sẽ được cải thiện?
Tại thời điểm 31/12/2017, Viettel Global rơi vào tình trạng mất cân đối tài chính tạm thời khi nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn. Cụ thể, nợ ngắn hạn của Viettel Global thời điểm cuối năm 2017 là 21.959 tỷ đồng (tăng gần 20% so với thời điểm đầu năm) và chiếm 2/3 tổng nợ phải trả toàn doanh nghiệp (33.508 tỷ đồng). Trong khi đó, tài sản ngắn hạn của doanh nghiệp lại sụt giảm gần 10% xuống chỉ còn 18.669 tỷ đồng. Điều này khiến cho nợ ngắn hạn vượt quá 14,98% tài sản ngắn hạn, tương đương với 3.290 tỷ đồng, khiến Tổng công ty lâm vào tình trạng cảnh báo mất thanh khoản ngắn hạn khi không đủ nguồn tiền để thực hiện các nghĩa vụ nợ.
Với phương án phát hành riêng lẻ 800 triệu cổ phần, chắc chắn Viettel Global sẽ thu về được 8.000 tỷ đồng bổ sung vốn lưu động và bù đắp được toàn bộ phần thiếu hụt mất cân đối giữa nợ ngắn hạn và tài sản ngắn hạn. Tuy nhiên, nếu hiệu quả kinh doanh chính của Tổng công ty không được cải thiện thì sự bù đắp này sẽ chỉ là tạm thời do còn khá nhiều điểm ngoại trừ được kiểm toán nêu tại báo cáo tài chính kiểm toán năm 2017 chưa được đánh giá một cách đầy đủ.
Khi kiểm toán báo cáo tài chính năm 2017 của Viettel Global, Công ty TNHH Kiểm toán Deloitte Việt Nam (Deloitte) đã đưa ra không ít ý kiến ngoại trừ trọng yếu.
Cụ thể, tại NATCOM (liên doanh thành lập tại Haiti, trong đó Viettel sở hữu 60% vốn liên doanh và Teleco sở hữu 40% – PV), kiểm toán viên không thể thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp về các tài sản được cổ đông là Công ty Telecommunication D`Haiti S.A (Teleco) góp vốn để thành lập Nation Telecom S.A (NATCOM) với tổng số tiền khoảng 556 tỷ VND (tương đương 1.573.013.333 HTG – đồng tiền tại Haiti). Số vốn góp này chủ yếu được trình bày ở khoản mục Nguyên giá tài sản cố định vô hình với số tiền 137 tỷ VND (tương đương 387.895.493 HTG) và khoản mục Nguyên giá hữu hình với số tiền khoảng 419 tỷ VND (tương đương 1.185.013.333 HTG) trên bảng cân đối kế toán hợp nhất tại thời điểm 31/12/2017. Giá trị tài sản này được xác định trên một báo cáo định giá năm 2008 và chưa được đánh giá lại sau lần động đất tại Haiti vào ngày 12/1/2010 được cho là đã làm thiệt hại các tài sản góp vốn đó. Do đó, kiểm toán không thể xác định liệu có cần thiết phải điều chỉnh các số liệu này hay không.